"You never know what's coming for you..."
Mới xem xong The curious case of Benjamin Button – một bộ phim dài, nhịp độ trầm lắng và nhiều dư vị. Phim hay như một cuốn sách đẹp.
...
Câu chuyện phim kể về cuộc đời kỳ lạ của nhân vật chính – Benjamin Nút Áo – khi trải nghiệm sự trưởng thành và mùi vị cuộc đời trong một trật tự sinh mệnh bị đảo ngược: Sinh ra ở trạng thái 80 tuổi, trẻ dần theo thời gian và chết trong hình hài một đứa trẻ sơ sinh. Cũng chính vì sinh ra một cách trớ trêu và quái dị, mà Benjamin đã bị chính cha mình – ngài Thomas Button, chủ hãng Button’s Button – bỏ rơi ngay chính khi mới chào đời.
Được cưu mang bởi người phụ nữ da đen Queennie – vô sinh, nhưng rất hiện sinh và vô cùng nhân hậu – Benjamin trẻ dần lên tại nhà dưỡng lão, mái gia đình ấm áp cùng người mẹ nuôi của mình. Nhỏ tuổi, nhưng thể chất già cỗi, trưởng thành trong viện dưỡng lão – nơi mà Benjamin đã chứng kiến những cuộc đến – đi của quá nhiều con người, chính điều đó đã cho cậu nhiều những xúc cảm và trải nghiệm khác thường. Mà cái lớn nhất, là trải nghiệm về mất mát, về cái chết. Nhưng thiết nghĩ, lúc này, với Benjamin – cái chết chỉ là một sự giải thoát thanh thản, và cuộc sống bên kia thế giới là điều tuyệt vời mà ai ai cũng hằng trông đợi – vì chính lối sống thường nhật, và những con người nơi đây đã dạy cậu điều đó. Nhưng cậu cũng đã học được một điều rất lớn từ Queennie: “You never know what’s coming for you…” (Con sẽ không bao giờ biết trước được điều gì đang đến với con…). Và, không phải vì Benjamin sở hữu một cuộc đời dị thường mà Queennie nói thế; chỉ đơn giản, bất kỳ con người nào cũng không thể lường trước những gì còn ở phía trước của cuộc đời mình. Mang tâm thế của một con người may mắn sống sót và trẻ hoá một cách kỳ lạ theo thời gian, Benjamin bước vào hành trình của cuộc đời mình. Chỉ đơn giản thôi, là sống một cách thực thụ và trải nghiệm hết những gì cuộc đời – dù cố tình hay hữu ý đã ban tặng.
Trong chuyến hành trình dài và ngỡ là không bao giờ biết được điểm dừng kia, đã có rất nhiều con người đi qua cuộc đời Benjamin. Và rất nhiều những cột mốc thời gian – như những vết nứt sâu trên một mảnh đất cằn cỗi, cho mạch nguồn cuộc sống trào ra, mát lành những mầm xanh mới. Và có cả những mất mát không thể quên – để Benjamin thấu hiểu nhiều hơn, rằng: Cuộc sống của mỗi con người, dù muốn hay không, sớm muộn gì chúng ta cũng phải đối mặt với những mất mát – mất người thân, mất những gì mình yêu thương. Mất mát cũng là một trải nghiệm, nhưng là trải nghiệm đau lòng.
Trong số những con người đã bước vào hành trình cuộc đời của Benjamin, được xây dựng mạnh mẽ nhất và tạo nhiều ấn tượng là 3 người: Thuyền trưởng Mike của tàu Chelsea – người bạn đường đầu tiên; Elizabeth Abbott – người bạn tình đầu tiên và Daisy – người đồng hành lớn suốt một đời.
…
Trước tiên hãy nói về thuyền trưởng Mike. Một con người từ năm 7 tuổi đã biết chèo thuyền, và đã bắt đầu cuộc sống lênh đênh sóng nước cùng cha mình, nhưng, vẫn ấp ủ một giấc mơ có vẻ trái khoáy với thực tế hoàn cảnh: Trở thành một nghệ sĩ. Và, sau ngần ấy năm bôn ba hải hồ, Mike đã trở thành một nghệ sỹ thực thụ với tài… xăm mình, và tự hào với tài năng hiếm có của mình. Mike say xỉn thường xuyên, dạy Benjamin biết trò gái gú, là một con người thuộc tuýp dễ dàng bị người khác gán nhãn: Kẻ bê tha. Nhưng, thực tế, Mike chính là người bạn đường đầu tiên đã dạy cho Benjamin biết thế nào là làm việc, là giá trị đồng tiền, là tận hưởng cuộc sống và biết đặt niềm tin ở người khác như thế nào.
Tôi thích nhất 2 chi tiết về Mike:
- Một, là trong lần đầu gặp Benjamin nơi cảng, khi Benjamin xin được làm phụ việc trên tàu – mặc dù sắc vóc thời điểm đó là của một người cao tuổi, nhưng Mike không cần quan tâm, chỉ hỏi ngắn gọn: “Anh nghĩ anh làm được chứ?”, và khi nghe câu trả lời “Tôi nghĩ là tôi có thể làm được”, Mike đã kết luận rất đơn giản “Vậy là đủ rồi!”.
- Hai là, khi Benjamin dẫn Daisy xuống tàu, mặc dù đã say mèm từ đêm qua, và đang nằm đổ đốn như một tảng thịt mục ruỗng, Mike vẫn thức dậy, lái tàu đưa Benjamin và Daisy đi ngắm dòng sông trong sương mờ. (Hình trong poster ở top pic chính là cảnh Benjamin và Daisy đứng trên boong tàu Chelsea ở phân cảnh này)
Không quá lời khi nói rằng, chính Mike đã có công lớn nhất đưa Benjamin thực sự sống và dấn thân vào cuộc hành trình của chính mình. Một người bạn đường đáng tin cậy, và là một nghệ sỹ hơn mọi nghệ sỹ.
…
Người ghi dấu ấn thứ hai trong hành trình cuộc đời Benjamin chính là Elizabeth Abbott – quý bà ngẫu nhiên hạnh ngộ trong một khách sạn ở Nga và trở thành người bạn tình đầu tiên, tình yêu đầu tiên của Benjamin Button.
Tôi rất thích lối miêu tả điềm nhiên và nhấn nhá thời gian của những buổi gặp mặt giữa 2 người. Nó có cái gì đó tinh tế và gợi cảm. Có thể dễ dàng nhận thấy là cả 2 đã mê đắm và chìm trong ham muốn về nhau ngay từ những khoảnh khắc ban đầu, nhưng, cứ như một câu chuyện súc tích thì càng cần phải được kể với lối chậm rãi và níu kéo thời gian nhất có thể, để, người nghe cứ mê mải với từng sát na, mà sẽ đỡ tiếc nuối hơn khi kết thúc vội vàng. Hai người cứ thong thả gặp nhau mỗi đêm, cùng uống trà, chia sẻ nhau nghe về cuộc sống riêng, trải nghiệm riêng của mỗi người – cứ thế, đêm này qua đêm khác. Khán giả cứ nôn nao, dồn ép cảm xúc hơn cả người trong cuộc; còn người trong cuộc thì cứ nhàn nhã, chậm rãi nhịp sống thường nhật hơn bao giờ hết. Để rồi, đến hành động Benjamin đóng sầm cửa, 2 người cuốn nhau vào đam mê đằng sau cánh cửa phòng kia, thì khán giả cảm thấy như thỏa nguyện cho cả 2 người. Ừ thì, phải thế!
Chính Elizabeth là người đã cho Benjamin những cảm xúc tình yêu đầu tiên, mùi vị yêu đương đầu tiên. Cũng chính cô là người tiếp theo đã dạy cho Benjamin cách thụ hưởng cuộc sống, cách thụ hưởng đam mê. Và cũng chính cô, với sự ra đi vội vã và lời nhắn gửi đơn giản “It was nice to meet you!” (Rất vui vì đã gặp anh!) đã giúp cho Benjamin học tiếp một bài học về mất mát: Mất mát có thể đến vào những lúc ta không ngờ nhất, ta đang hạnh phúc nhất. Và, đã góp phần hình thành nên kháng thể đặc biệt của anh đối với những mất mát trong cuộc đời: Tâm thế đón nhận và chấp nhận.
…
Tôi không muốn nói nhiều về Daisy. Vì cô là nữ chính, nên cô có rất nhiều đất diễn, rất nhiều cơ hội gieo cảm xúc và những suy ngẫm khác nhau vào lòng người xem. Chỉ có vài ấn tượng – đến độ buộc tôi phải viết ra – là những thứ có thể không hề nổi bật trong mắt nhiều người.
Thứ nhất là, mối giao cảm kỳ lạ và tình yêu đặc biệt của Daisy và Benjamin làm tôi đặc biệt nhớ đến 2 nhân vật chính của Em ở đâu (Marc Levy). Vì, mỗi người sống một cuộc đời riêng mình khi cách xa nhau, nhưng khi gặp lại, vẫn cứ âm ỉ là một tình yêu khó lý giải, ẩn sâu ở bên trong, nhưng cũng hừng hực như muốn nuốt trọn mọi thứ bên ngoài. Câu chúc nhau ngủ ngon mỗi đêm – dù ở hai khung cảnh sống khác nhau, thật đơn giản mà ám ảnh. Nó thể hiện một sự ràng buộc vô hình và mạnh mẽ đến mức lạ thường. Và nó cứ đau đáu suốt trong tâm trí người xem, ngay cả khi phim đã kết thúc. Phải chăng mong muốn được nói lời chúc ngủ ngon với người mình yêu thương mỗi đêm – là điều đơn giản nhất mà đáng mong mỏi nhất của hàng triệu trái tim yêu trong cuộc đời này?!
Thứ hai là, những xúc cảm đặc biệt mà giai đoạn cuối đời của Benjamin và Daisy mang lại. Hình ảnh một bà già (độ chừng 70 – 80) khòm lưng dẫn tay một đứa trẻ bi bô – thậm chí chưa biết nói – trong buổi chiều tà thực sự gây nên những xúc động mạnh. Có gì đó lớn lao lắm trỗi dậy trong lòng mình, về tình yêu. Để rồi, thay vì làm nên một cuộc địa chấn trong tâm trí, thì hình ảnh tuyệt đẹp kia đột nhiên dịu dàng hóa – tựa như một dòng cuối viên mãn của một đoạn văn cuối nơi trang sách cuối cùng. Bàng bạc và miên man. Vậy mà, nhớ hoài!
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người, mối giao tình suốt những năm tháng dài cuộc đời, và, bên cạnh nhau trong những thời khắc hạnh phúc nhất, cũng như cuối cùng; đó là lý do vì sao, tôi gọi Daisy là người đồng hành lớn nhất trong cuộc đời của Benjamin.
…
Bên cạnh 3 con người trên, suốt câu chuyện dài của phim bạn sẽ còn bắt gặp khá nhiều những con người thú vị khác. Dù chưa thực sự nổi bật, hay được biểu tượng hóa thành một luận lý, một tuýp người, một lối sống nào tiêu biểu; nhưng tin chắc, cũng sẽ cho chúng ta những cảm nhận và suy ngẫm khác nhau. Nói để thấy rằng, tên phim là The curious case of Benjamin Button – nhưng có nhiều hơn là chỉ một cuộc đời của một nhân vật để chúng ta chiêm nghiệm.
Một bộ phim dài, nhưng rất chỉn chu. Và cảm giác mang lại cho người xem là hết sức liền mạch. Bạn theo dõi cuộc đời của một con người, với nhiều những va chạm không lường trước và vô số những cuộc đời khác đi qua, mà chỉ trong chừng 150 – 160 phút, thì đâu có gọi là dài, nhỉ?!
Một câu thoại khác mà tôi chỉ nhớ mang máng, nhưng vẫn để tâm, vì đáng nghĩ: “Tại một thời điểm nào đó, dù bạn có tức giận vì bất mãn như thế nào, nhưng khi đến cuối cùng rồi thì, cái cần nhất vẫn là phải biết buông tay!” – xin mượn để kết thúc những dòng lẩn quẩn của entry này.
Một bộ phim đáng xem. Như một cuốn sách đẹp.