Friday, June 20, 2008

Phóng tác: Truyền thuyết về Quỷ Am Đường


Truyền thuyết về Quỷ Am Đường

Năm Ôn Chính thứ ba, hoàng đế băng hà, Đại công chúa lên ngôi kế vị. Vốn dĩ niên kỷ tân xuân, chưa từng trải việc triều chính, lại thêm thủ tính cố chấp, có đôi phần thiên lệch, nên Đại công chúa lên ngôi chưa được bao lâu đã để triều đình nhiễu nhương, gian thần lũng đoạn. Giang sơn xã tắc rơi vào cảnh chỉ mành treo chuông. Triều đại suy vong, thời thế loạn lạc. Họa vong quốc đã gần kề.

Giữa bối cảnh lọạn thế vong thân, người người ấp ủ mộng bá đồ vương, nuôi khát khao nhất thống thiên hạ, bình định tứ phương, vẫn có một linh địa dường như nằm ngoài thế cuộc vần xoay, chẳng màng cơn dâu bể. Nơi đó là Hành Sơn.Cũng chính tại ngọn núi này, đã xuất phát một truyền thuyết kỳ bí mà nhân gian còn mãi tụng truyền đến vạn niên. Truyền thuyết về Quỷ Am Đường.


Tương truyền rằng, tại chân núi Hành Sơn, có một am đường, ẩn trong sương khói phù vân, hiếm chân người qua lại, quanh năm thâm u, chướng khí nặng nề. Am đường do một vị sư cô kiến lập nên, người đời không biết thực danh, cũng chẳng tường pháp hiệu. Về sau, vì nhiều oán nghiệp gieo nên lắm điều hư thực, thiên hạ kháo nhau gọi là Bất Ni sư thái.

Cũng theo giang hồ truyền khẩu, Bất Ni sư thái vốn xuất thân từ danh gia vọng tộc, là tiểu thư khuê các của gia tộc Phan Thị được lắm người trọng ngưỡng. Vừa tròn nhị thập niên kỉ đã hữu danh lan tỏa khắp vùng. Võ Lâm hào kiệt, Văn Sĩ tao nhân, ai ai cũng biết tiếng. Vì một cơn hữu sự, gia tộc phân ly, lại rơi vào nỗi oán tình sầu hận khi bị Vô Danh Đại Hiệp chối bỏ lòng thành, từ một thiên kim khuê môn bất xuất, Bất Ni rơi vào chốn giang hồ đa biến.

Vô tình lạc bước đến Hành Sơn, thấy phong cảnh âm trầm, chất chứa nhiều uất sự - cũng như tâm trạng bản thân đang rối bời ngổn ngang trăm mối, nên Bất Ni quyết định dừng chân, lập am đường để tĩnh tâm quên đời. Tự mình xuống tóc quy y thí pháp, tu thân đêm ngày không mệt mỏi. Người đời cám cảnh, thương cho thân phận hồng nhan bạc mệnh, sớm rời bỏ xuân sắc thế gian mà lánh thân nơi cùng cốc thâm sơn.

Nhưng chuyện đời kỳ biến vô song, trong điều bất ngờ cũng ẩn chứa vạn điều bất ngờ. Mấy ai thấu tỏ, Bất Nị lập am, xưng danh sư thái, nhưng thực tâm đang ấp ủ huyền cơ, mộng đến ngày rửa hận thế gia, trả mối thù tình. Chính thế mà, dưới danh nghĩa am đường thờ tự, Bất Ni ngày đêm tu luyện, đồng thời thu nạp đệ tử để về sau thuận bề hànhsự. Nhưng vì địa thế Hành Sơn bất trắc hiểm trở, ít người lui viếng, nên chuyện thu nạp đệ tử khó mà sớm chu toàn.

Bỗng một ngày kia, một thanh nữ tìm đến. Người này cũng vốn tiểu thư con nhà gia thế, vì muốn chứng tỏ bản thân - nữ nhi mà nuôi mộng bá đồ - nên sớm thoát ly gia môn, tự mình tầm sư học nghệ. Vì một phút lỡ đường, lạc bước đến Hành Sơn. Thanh nữ nghe đâu tên gọi là Lâm Đại Nguyệt.

Ban đầu, vì thấy ngộ tính võ học của Đại Nguyệt khá cao, phù hợp với công phu bấy lâu Bất Ni tu luyện, nên sư thái quyết định thu nhận làm đệ tử. Nhưng sau một thời gian không lâu, mới phát hiện ra sư đồ bất đồng chí hướng. Đã vậy, Đại Nguyệt tính khí thất thường, lòng tự kỉ cao, nên thường hay bất tuân ý thị, lại hay chống đối gia sư ra mặt. Bất Ni lấy làm tức giận lắm thay! Ngoài mặt vẫn hiền hòa nhã nhặn, nhưng đâu hay, khẩu Phật chưa chắc tâm đã có Phật, Bất Ni mưu sự khó lường…

Rồi một ngày kia, am tự không còn thấy bóng dáng Đại Nguyệt đâu nữa…


Thoáng chốc cũng đà mấy kỳ nguyệt khuyết hoa tàn, am tự chỉ độc một bóng hình Bất Ni sư thái. Loạn thế phân tranh, giang hồ nơi nơi tiếp tục dậy sóng ba đào… Chí lớn còn đó, mà hận bản thân lực bất tòng tâm, Bất Ni sư thái ngày đêm trăn trở. Chuyện thu nạp đệ tử lại càng bức thiết, lòng Bất Ni tựa hồ như than nung lửa đốt. Hay đâu, thiên địa khéo chiều lòng ni, một ngày nọ, cơ duyên có được chân đồ đệ lại đến.

Ngày mưa gió vần vũ, một hàn sĩ từ thôn Cửu Bá tìm đến am tự, dắt theo một tiểu cô nương xin được tá túc. Lạ thay, ngay sáng hôm sau, chẳng rõ nguyên cớ, hàn sĩ đột nhiên vong mạng. Tiểu cô nương trở nên bơ vơ, tứ cố vô thân, đành nương mình nơi am tự. Bất Ni lấy làm hài lòng lắm, vì há phải đây chính là thiên duyên mang đến một nữ đồ nhi cho sư thái đó sao?

Bất Ni liền thu nạp ngay tiểu cô nương làm đồ đệ, dốc tâm truyền dạy công phu tuyệt nghệ, với hy vọng đây sẽ là chân truyền đệ tử mà bấy lâu mình trông đợi. Sư đồ có thể sớm đạt thành tựu, chung tay xây nên bá nghiệp. Hỡi ôi, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, còn lắm chuyện luận bàn…

Lại nói về tiểu cô nương – tục danh vốn là Phong Linh – vì vô thân nên phải nương nhờ chốn am đường, ép mình nhận Bất Ni làm sư phụ. Chứ vốn dĩ tuổi đời thanh xuân, mộng tình phơi phới, Phong Linh tiểu nữ thực lòng không muốn biến thành một tiểu ni cô ngày đêm sống trong trầm uất, lại còn phải chịu chi phối bởi mưu toan bất chính của sư thái. Chính thế mà, ngoài mặt thuận ý gia sư, nhưng trong lòng lại ôm niềm oán thán. Là kẻ thâm sâu, Bất Ni sớm nhận ra hận tâm bất phục của đồ đệ mình.

Thêm vào đó, từ ngày Phong Linh xuất hiện ở am đường, chân núi Hành Sơn dường như bớt cảnh u tịch. Tao nhân mặc khách lui viếng thường xuyên. Lấy cớ vãn cảnh, nhưng thực tâm là tận dụng cơ hội hạnh ngộ tiểu mỹ nhân. Bất Ni vốn oán hận nam nhân, nay lại sinh lòng ganh ghét khi thấy đồ đệ hoa xuân mỹ diện, thu hút bướm ong, dường như phá vỡ trật tự mà Bất Ni đã nhọc công kiến tạo bấy lâu nơi am đường. Mâu thuẫn sư đồ ngày một dâng cao.

Từ một lòng truyền dạy chân đồ, Bất Ni trở nên ác tính khó lường, mỗi ngày lại đặt ra thêm nhiều môn quy hà khắc, quyết chí khép Phong Linh vào vòng khổ hạnh. Vốn là một cô nương lạc quan yêu đời, nhưng từ ngày trở thành đồ đệ của Bất Ni đã trở nên tâm thần bất ổn, ngày đêm sống trong tình cảnh u uất. Hận mà không dám khởi loạn. Sầu bi mà vẫn phải nở nụ cười. Bởi, thâm tâm, Phong Linh muốn tìm hiểu rõ sự tình về cái chết vô cớ năm xưa của hàn sĩ, nên cố sức nén lòng, chịu đựng ngày qua tháng lại mong sớm phát hiện chân tướng sự tình.

Thời gian như thủy lưu vô tình, mới đó lại đã nhị độ nguyệt tàn, Phong Linh giờ thêm vẻ sầu não, tâm trí bất minh. Tuy vậy, thực ra đây chỉ là đối sách để hòng che giấu thực tâm, qua mặt Bất Ni, thuận bề hành sự.

Rồi một đêm nọ, trong khi truy tầm dấu tích về cái chết hàn sĩ, Phong Linh lại vô tình phát hiện nguyên cớ sự mất tích bí ẩn của Lâm Đại Nguyệt. Một sự thật không thể ngờ tới…

Quá hoảng loạn vì bí mật vừa mới tìm thấy, Phong Linh vô cùng bối rối, tiến thoái lưỡng nan, không biết đường liệu tính. Nhất thời nảy ra ý định: đào thoát khỏi am đường ngay trong đêm.

Nhưng nào ngờ, Bất Ni đã phát giác sự tình bại lộ, nên đã lường trước việc Phong Linh sẽ trốn chạy. Bất Ni nhanh chóng phong tỏa hết đường ra lối vào, quyết tâm không để Phong Linh thoát khỏi.

Sư đồ bất hòa, oán nghiệt thêm sâu. Am đường nay lại tựa hồ Quỷ Môn vô lối thoát.


Chẳng biết sự thể ra sao, chỉ nghe rằng, từ đó, am đường lạnh lẽo hoang vu, không thấy bóng Bất Ni cũng như tung tích của Phong Linh đâu nữa… Chân núi Hành Sơn vốn u linh cô tịch, nay lại thêm phần ảm đạm, âm khí nơi nơi…

Người đời không rõ thực hư, nên kháo nhau về rất nhiều giả thuyết. Có người cho rằng, trong lúc sư đồ giao tranh, cả hai đánh đuổi đến tận thâm lâm, rồi tử vong bỏ mạng không ai hay biết… Kẻ khác lại cho rằng, Phong Linh đã được cao nhân cứu thoát, còn Bất Ni sư thái thì biến mất không rõ nguồn cơn… Một vài người háo sự lại cho hay, Bất Ni cuồng nộ ra tay thảm sát đồ nhi, rồi trở nên điên dại, trú ẩn nơi am đường, đêm xuống lại lang thang khắp nơi đoạt mạng người dân vô tội…

Một đồn mười, mười đồn trăm… Chẳng rõ chân nguyên cớ sự, chỉ biết là thiên hạ đồn thổi, ai ai cũng hoảng sợ chẳng dám bén mảng đến chân núi Hành Sơn. Am đường âm u hoang phế, từ đó nhân gian gọi là Quỷ Am Đường.



No comments:

Post a Comment