Thursday, December 29, 2016

Thư gửi người của thanh xuân


(c) photo by Oleg Oprisco

Mười Hai, Saigon thưa nắng, dày mưa, và miên man xúc cảm. 

Tôi chợt muốn viết cho người, dẫu biết, lại là những lá thư không bao giờ gửi. 

Đành tự ủi an, biết đâu đây sẽ là lần cuối, tôi viết cho người? 

… 

Người biết không,

Tôi còn mơ mãi giấc mơ về ngọn đồi cũ, vạt cỏ mềm, bờ vai gầy và những lọn tóc rối. 

Nơi ấy, là hai mươi tròn vẹn, tiếng hát còn xanh, trái tim còn xanh. Những ngây ngô của mùa yêu đầu, cũng xanh biêng biếc. Như mưa hạ. Như mây trời. 

Nơi ấy, là thanh xuân của tôi, và người. Ở lại, đến vĩnh viễn mai sau. 

… 

Nơi ấy, tôi lần đầu biết đến, hóa ra, một nụ cười có thể khiến mình chiêm bao còn thức, một cái chạm tay có thể níu lấy câu thương qua hết những năm rộng tháng dài. 

Nơi ấy, tôi lần đầu biết đến, hóa ra, những lời tình sáo rỗng ai ai cũng thường nói, vậy mà chân xác, rằng: Người ta có thể vì một đoạn nhân duyên ngắn ngủi, mà nương tựa vào đó, sống qua một đời. 

Như tôi, đã luôn nghĩ về quãng đường ấy của hai đứa mình. 

… 

Một quãng đường không hề dài, chỉ gói gọn trong tuổi hai mươi mỗi người, thế nhưng, còn thương nhớ đến tận hôm nay. Dù nỗi nhớ ấy, có khi, chỉ mình tôi biết, mình tôi hay, mình tôi giữ lấy. 

Còn người, ở phương xa đó, với cuộc sống mới viên mãn và bình yên, chắc chỉ thảng hoặc đôi lúc nghĩ về. 

Chắc chỉ thảng hoặc đôi lúc, vô tình nghe một bài hát cũ, đọc mấy dòng lan man, người sẽ hoài niệm khoảng thời gian đẹp đẽ nhất, hồi ức lại từng dấu nhớ đã có lần khắc sâu trong lòng mỗi chúng ta?  

… 

Tôi không cầu người tiếc nuối, chỉ mong người mỉm cười, tri ân hết thảy những gì đã từng có, hoặc chưa từng có, giữa tôi và người. Như tôi. 

Tôi không cầu người quay đầu lại, chỉ mong người vững bước đi tiếp, dành một góc nhỏ khuất sâu tim mình cho “cơn mưa rào” năm ấy, cho ngọn đồi cũ, vạt cỏ mềm. Cho tôi. 

… 

Cám ơn người, vì đã hiện hữu trong thanh xuân của tôi, để nó mãi là đoạn đời đáng tưởng niệm nhất. 

Cám ơn người, vì cho tôi thấu hiểu tường tận hơn những gì Tân Di Ổ đã viết: 

“…Giống như cố hương là nơi con người ôn lại thuở hàn vi, tuổi xuân là quãng thời gian để con người nhớ nhung, hoài niệm. Khi bạn ôm nó vào lòng, nó sẽ chẳng đáng một xu; chỉ khi bạn dốc hết nó, quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa. Những người từng yêu và làm tổn thương chúng ta, đều có ý nghĩa đối với sự tồn tại tuổi xuân chúng ta…” (trích ‘Anh có thích nước Mỹ không?’) 

Thương chúc người an vui,


---

* Bài viết tham gia cuộc thi Trao gửi thanh xuân.


Thursday, December 8, 2016

Dạ khúc


(Này em - version 2)

Này em
ngày dài đã qua
Đớn đau đến mấy
chẳng là trăm năm

Này em
đến bên ta nằm
Đêm phai tóc hát
nghe thăm thẳm buồn...

Này em
trời nhẹ mưa tuôn
Thôi em đừng khóc
suối nguồn cạn khô

Này em
cuối nẻo sông hồ
Trái tim mắc cạn
bên bờ bãi xưa...

Này em
trăng nhạt, sao thưa
Một vùng chăn chiếu
chỉ vừa lẻ loi

Này em
đến bên ta ngồi
Đợi mai thức giữa
xa xôi nghìn trùng...

Này em
đi đến tận cùng
Trời cao có lẽ
bao dung chúng mình?

...

(Saigon,
Mười Hai,
Mười Sáu.)


Monday, November 7, 2016

Một hôm xám trời


...

Một hôm xám trời 
Tôi thu mình lại thành vòm cây 
Im nghe tiếng ngày xào xạc 
Ngắm đêm tàn cuối chân đồi 
Làm bạn cùng cơn gió lạnh 
Hát lời mây trôi 
Ngọn đồi vắng, chỉ mình tôi 
Tôi ru mình bởi rối bời thở than 
Giấc mơ rụng như lá vàng. 

Một hôm xám trời 
Tôi thấy mình như mảnh vườn hoang 
Những đóa mẫu đơn héo rũ 
Những nhành thạch thảo hoang tàn 
Không còn dấu chân nào trên đất 
Chẳng nắng vàng bên hiên 
Rêu rong những nỗi muộn phiền 
Biết đâu tìm lại tiếng chim thuở nào? 
Một vùng cỏ dại xanh xao…

... 

* viết vào đúng ngày này, cách đây 5 năm;
re-post, vì vẫn hợp tâm trạng.

Saturday, October 29, 2016

Bên Kia - Bên Này


(c) photo by Gabriel Isak

Chiều nay, không hẹn trước, cánh cửa ấy lại mở ra. 

Cánh cửa nối liền hai thế giới, Bên Kia và Bên Này. 

Cánh cửa mở ra trong im lặng, tuyệt không gây nên bất kỳ âm thanh nào. Chỉ có tiếng trái tim tôi, khẽ hẫng đi một nhịp. 

Tôi tần ngần trước cánh cửa, mừng nỗi vui gặp lại, buồn niềm đau cách ngăn. 

Bên kia cánh cửa, là Bên Kia, với bầu trời thật khác, không gian khác, cỏ cây khác, nắng - mưa - gió - bão cũng khác. Một cõi khác. Những sinh mệnh, dù mang dáng hình quen thuộc, nhưng đã vận hành theo một cách hoàn toàn khác. Có chăng đôi ba sợi chỉ mờ ẩn sâu trong tiềm thức, nếu may mắn, còn sót lại chút buộc ràng, với Bên Này. 

Tôi đứng ở Bên Này, nhìn về Bên Kia, với ức triệu phức cảm. Liệu có ai ở Bên Kia, cũng đang như tôi, nhìn về Bên Này? 

Nếu thực sự có, người ấy sẽ thấy gì? Sẽ nghĩ gì? Ngắm những khác biệt tự thân của hai thế giới mà hoài nghi, vì sao như thế? Trông sang những sinh mệnh đang cuồng say giữa vô vàn hành trình phù phiếm mà vẫn chưa thể đến nơi, rồi xót xa tội nghiệp? Hay tìm thấy chính mình, hoặc một phần chính mình, trong chúng tôi - những con người Bên Này còn mãi loay hoay? Hoặc giả, ngẫu nhiên bắt gặp một nhân ảnh xưa cũ thân gần, dẫu hết thảy giờ đây đều hóa ra tro bụi, thì vẫn cúi đầu một sát na rưng lòng thương cảm, nghiêng mình chiêm bái quá vãng khói sương với sự ghi ơn thật thà? 

Không ai trả lời tôi. 

Còn tôi, vẫn đứng yên nơi đây, trước cánh cửa, nhìn về Bên Kia, với ức triệu phức cảm. Và cố huyễn hoặc, rằng: Bên Này, một thời không nào đó, sẽ trở thành Bên Kia. Giống như Bên Kia, vốn dĩ, biết đâu đấy, đã từng là Bên Này?!

...


Wednesday, October 26, 2016

Tuổi đời thêm một, tuổi lòng bao nhiêu?


Sáng ngày mình già thêm, tôi chọn chemise trắng, jeans đen, slip-on đen ra phố. Nước hoa thì chọn Voyage d'Hermes, mùi của những chuyến viễn trình phù phiếm. Như mọi ngày. Cũng khác mọi ngày. 

Sau mấy hôm chán đời, nay tôi chọn vui. 

...

Khi chọn vui, nhìn đâu, cũng có thể mỉm cười. 

Những sms bất ngờ, những câu comment có quen có lạ, mấy đoạn inbox của những người chưa từng nghĩ là sẽ. Bài hát ngẫu nhiên phát ra từ cửa hàng khi xe dừng đèn đỏ. Một bữa trưa vội ngắm Saigon ngập nắng. Bữa tối fastfood vô lo. Chiếc áo mua tặng chính mình. 

Nói chung, rối loạn hưng trầm cảm là có thật. 

Dẫu thế, tôi vẫn chẳng thấy vấn đề gì, khi thành thật với cảm xúc bản thân. 

Người ta già đi, cảm xúc có thể theo đó mà chai sạn. Còn giữ được nhịp xúc cảm sôi nổi, đa sắc mỗi ngày, thì rối loạn hưng trầm cảm cũng có hề chi? 

...

Ngày của riêng tôi (tự mị cho thêm vui), tôi, lần nữa, soi mình trong gương. Được - Mất - Thất bại - Toại thành - Hoài mong - Dang dở... theo tháng năm dày thêm, tất cả đã quyện chặt, kết tinh, tạo nên phức hợp bản thể - là Tôi - của hiện tại, của bây giờ. 

Ngắm nhìn nó, tôi nhận ra, mình vẫn có thể tiếp tục truy cầu vô hạn thứ nơi kiếp sống hữu hạn này. Cũng có thể kết thúc hết thảy. Ngẫm ra điều đó, tôi bất giác lại mỉm cười.

...

Ngày của riêng tôi, tôi học lại lời tiền nhân: "Tri túc thường lạc, năng nhẫn tự an".

...


* hình là pose mình ưng nhất, chụp trong chuyến Dalat vừa qua.
** nhạc nền khi viết là It's your day của Yiruma.


Sunday, October 9, 2016

Chốn luôn luôn có thể quay về


Người ta nhiều khi chỉ cần 
Một ngôi nhà ngói đỏ 
Xung quanh mọc đầy hoa cỏ 
Lặng im đi qua 
Những ngày mưa gió 
Từng mùa nắng phai 

Người ta nhiều khi chỉ cần 
Một khu vườn xanh mướt ban mai 
Một chái bếp thơm lừng khói ấm 
Chiều trôi thật chậm 
Đêm mê ngủ vùi 

Người ta nhiều khi chỉ cần 
Một mái tranh năm tháng yên vui 
Vẫn có nước mắt 
Nhưng nụ cười 
mới là điều tha thiết nhất 
Nơi người ta đối đãi nhau 
bằng lòng chân thật 
Như hồn quê. 

Người ta nhiều khi chỉ cần 
Một chốn luôn luôn có thể quay về 
Sau nhiều lênh đênh
mù khơi mất mát 
Một nếp nhà đơn sơ 
không có bất kỳ thứ gì 
ngoài yêu thương mộc mạc 
Không có bất kỳ thứ gì 
ngoài tình thân. 

...

(Hòa Bình 1 - Tây Hòa - Phú Yên 
09/10/2016)


Monday, October 3, 2016

Chào tháng Mười


(c) photo by Tatyana Tomsickova 

Ngày đầu tháng Mười, tôi quên mất cũng là mùng Một tháng Chín âm lịch, nên đã không ăn chay. Nhưng it doesn't matter, khi với tôi, ăn chay chưa từng là một sự cưỡng ép, chỉ là một lựa chọn. 

Ngày đầu tháng này, tôi chọn dậy trễ, ăn nhẹ, sau đó đi xem Miss Peregrine's Home for Peculiar Children. Phim dễ chịu, không hẳn là xuất sắc nhưng vừa đủ ấn tượng, và gợi nhắc tôi tới nhiều tác phẩm khác mình ghi nhớ. Nếu có sequel, chắc chắn tôi vẫn sẽ xem. 

... 

Mưa bão kéo tràn từ cuối Chín sang đầu Mười. Những ngày xám lạnh. Nếu loại bỏ sự bất tiện những khi lỡ phải vượt giông vượt gió đi đường, hay ì ạch lết qua đoạn ngập nước trước hẻm nhà, thì chẳng có gì đáng chê trách. Chỉ đôi lúc thèm, được sưởi lòng mình bằng ấm áp của một ai đó. Chỉ đôi lúc thèm, được trốn vào sâu vùng mơ. 

... 

Hôm nay mưa lớn từ tờ mờ sớm. Giật mình tầm 6am, nghe gió gào thét phía ngoài, tiếng mưa rớt như đoạn drop trong một bài EDM thời thượng. Tôi còn chưa tỉnh thức hoàn toàn, nên cứ nằm im đó mặc mình lững lờ giữa chiêm bao cận sáng và thực tại ầm ào mưa bão. Cứ thế, đến khi chìm lại vào cơn ngủ quên. 

Tôi dậy lúc hơn 8am một chút, vì mưa trói chân nên sms xin vào trễ. Rồi mở Wish that you were here của Florence + The Machine cho đến khi mưa ngớt, mới bắt một chuyến GrabBike đến công ty. Trên đường, ngồi sau nên tôi có dịp ngắm nhìn Saigon sau cơn bão sáng, nó lại khiến tôi nhớ những ngày mưa bão xưa. Miệng bỗng dưng hát thầm Sáng mưa

"Và ngoài kia, trời vẫn mưa hoài, vẫn mưa hoài… Bao lo âu nào có tan vào tiếng mưa?" 

... 

Tháng Mười, trước mắt là hai chuyến đi đã được định ngày. Một chuyến bị động, say YES! với lời rủ rê của đám bạn - cũng đã lâu ngày chưa đâu đó cùng nhau. Bị động, nên chờ những bất ngờ. Một chuyến chủ động, đến chốn quen, xem như đón mừng tuổi mới với vài thiết thân. Chủ động, nên muốn đi, thì đi thôi. 

Sắp hết một năm travel more, nhìn lại, số dư tài khoản vơi đi đáng kể, nhưng nhận về, cũng coi như thừa những ký ức đáng nhớ. Vậy nên, thật tâm, chưa từng hối hận. 

...


Friday, September 23, 2016

Viết xong lúc 6:24 pm


Tôi đột nhiên muốn viết, một cái gì đó.

Bây giờ là 5:14 pm, giờ làm việc chính thức đã hết. Xuyên qua những khoảng trống của khung kính không bị màn sáo che khuất, tôi mơ hồ nhìn ra ngoài kia. Ngoài kia là chiều. Là xám dày đọng hờ trên vạt cây, vỉa hè, lướt trên vai người lại qua xe xe cộ cộ. Trong tai nghe vẫn là giọng Uyên Linh "nhận lại đây tháng năm dại khờ, xin giữ em cho hoàng hôn" - tôi nghe mòn mấy nay.

Nguyên nhân của việc tôi đang type những dòng này: Tôi tình cờ, vừa tìm lại được blog Quoc-Bao. Đã lâu không đọc anh. Anh vẫn viết tràn những điều riêng tư, đôi khi dài đôi khi ngắn, có lúc vô thưởng vô phạt, nhưng không hiểu sao tôi luôn được inspired từ câu chữ anh. Xưa nay vẫn vậy. Anh là hiếm hoi những người viết mỗi khi đọc xong luôn khiến tôi tha thiết muốn viết, cho chính mình, dù cũng đôi khi dài đôi khi ngắn, có lúc vô thưởng vô phạt, như anh. Từng có một người khác, cũng cho tôi cảm giác tương tự. Từng có.

Hơn hai tháng không viết - ý tôi là kiểu viết thế này - nếu không nhìn lại chắc không biết mình dường như đã cạn khô hứng thú đối thoại cùng bản thân. Chút can đảm tự soi chẳng hay tự khi nào bỗng nhòa nhạt đi, đến quên lãng. Quên những thứ nên nhớ, trái khoáy thay, lại nhớ hết thảy những gì đáng quên!

Như một đêm nằm trong căn phòng hiện tại, không báo trước, tôi lại nhớ về căn phòng cũ. Và tất cả những liên quan. Theo mốc thời gian pop-up đột ngột nơi bộ nhớ, chuỗi ngày ngày tháng tháng năm năm xen lẫn hằng hà sa số khuôn mặt, mẩu chuyện, tình cảnh… nương theo nhau mà nở bừng tâm trí. Nở bừng, một cái nối một cái, rồi lan ra không kiểm soát. Giống sau một lượt “well played” ở trò Blossom Blast Saga dạo gần đây tôi hay chơi giết thời gian. Giữa hỗn độn ký ức, tôi ép mình tỉnh dậy, bước ra khỏi, trước khi bị nhấn chìm.

Rồi tôi xem “Tháng Tư là lời nói dối của em” của Hà Anh Tuấn. Tôi nghe “Xin giữ em cho hoàng hôn” của Uyên Linh. Tôi đọc (lại) “Những người đàn ông không có đàn bà” của Haruki Murakami.

Tôi nằm mơ.

Tôi thấy mình ngồi trên một băng ghế dài, vân gỗ xác xơ. Xung quanh xa lạ. Phía trước mặt là hoàng hôn xuống đậm, như màu món trứng khuấy bị quá lửa. Trong không gian thảng hoặc thứ mùi đất ngai ngái, pha với thứ mùi khói - có lẽ thôi, khói thuốc Marlboro? Tôi-đang-ngồi-đấy rất buồn. Buồn vô cớ. Tựa kẻ rã rời sau cuộc mất mát. Rồi có ai đó tôi không nhận rõ, đến cạnh tôi, nói gì đó. Rồi xảy ra vài chuyện mơ hồ giữa chúng tôi.

Sau đó khi tỉnh dậy, tỉnh dậy thực sự vào buổi sáng, tôi lý giải rằng do quá nhiều mất mát thời gian này - của người, của ta, nên tôi mới chiêm bao vô nghĩa đến thế. May, thứ đánh thức tôi, lại chính là cuộc gọi quen thuộc của mẹ, nó giúp tôi tự cười vào chính mình: Còn đầy ra đó sự Được, sao phải nghĩ nhiều về sự Mất?

Tháng Chín, Saigon mưa liên miên.

Tháng Chín còn độ một tuần. Tháng-của-tôi lại sắp về. Tôi đi qua tháng Bảy hân hoan, tháng Tám an yên, để tháng Chín lãng đãng bao điều không-xác-định. Tháng Mười, sẽ là gì?

Hôm trước, tôi đọc được một câu của người chị thân: 

"Be a little selfish and do something for yourself every day, something different once a month and something spectacular every year."

Tôi ghi nhận. Và chọn áp dụng cho quãng tới.

Nên tháng Mười, tôi chờ một tôi khác.

...




Monday, September 19, 2016

Chiều


(c) photo by Wahidun Nabi Photography

Ta về trong mắt chiều ngây dại 
Giọt buồn vỗ nhẹ bờ vai 
Con đường quen bao ngày qua lại 
Bỗng như một tiếng thở dài 

Phía mặt trời rã rời bóng nắng 
Thời gian gượng chút hơi tàn 
Phía mặt người đọng hờ sương trắng 
Nhìn ra màu của ly tan 

Chỉ còn gió nói lời tha thiết 
Ai quên ai nhớ cũng đành 
Vàng phai lá đầu cành tiễn biệt 
Trả tình về với cao xanh 

Ta về trong mắt chiều khép lại 
Ngủ sâu chăn chiếu mệt nhoài 
Đêm mở cánh miên trường mãi mãi 
Mộng nào có chờ đợi ai?

...

(Cho Saigon,
những buổi chiều không tên.)


Sunday, August 28, 2016

Người không thuộc về




Thì mãi người đâu thuộc về 
Cơn mưa sẽ tạnh, lời thề cũng tan 

Nửa câu yêu cũ dở dang 
Nhành hoa ngày ấy đã tàn không hay 

Bàn tay vụt mất bàn tay 
Cánh chim bay mãi phía ngày lãng quên 

Đôi vần thơ nhạt không tên 
Hóa thành cánh gió về bên kia đồi 

Mây xưa tàn cuối chân trời 
Ngoài hiên mấy giọt nắng ngời vừa phai 

Thì xin hạnh phúc cho ai 
Riêng ta quen lối, đường dài lại đi... 

...

[26/08/2011,
post để lưu.]


Monday, August 22, 2016

Đếm mưa trên lá


Buổi chiều hôm ấy, và mưa
Đường xa ướt áo ta đưa em về
Dưới hiên buộc một câu thề
Phải duyên phải nợ xin về với nhau

Ai ngờ, mưa vội tan mau
Ai ngờ, em vội qua cầu gió bay
Để mình ta buổi chiều nay
Đếm mưa trên lá mà loay hoay buồn...

...

(Saigon, 220816
nhân ngồi quán mưa, nghe trúng một bài hát xưa.)


Friday, August 19, 2016

#first7jobs


#1 CTV thư viện thiếu nhi tỉnh - làm vì… đam mê 

Đam mê sách từ nhỏ, nên lúc biết tin Nhà văn hóa chỗ cha mình làm việc sẽ mở thư viện thiếu nhi, tôi phấn khích dã man. Buổi đầu, thư viện nhó xíu nhỏ xiu, lác đác mấy đầu sách. Ban quản lý phải kêu gọi ngay chính gia đình cán bộ công nhân viên đóng góp thêm sách báo. Tôi từng vui vẻ quyên hết bộ 7 viên ngọc rồng, Đô-rê-mon, cả chồng báo Nhi đồng, Rùa vàng, Khăn quàng đỏ (do thuở đó mẹ còn đặt báo ở Bưu điện cho mình) và cơ số sách, truyện linh tinh khác - mà không mảy may hối hận (dù thú thực lớn lên nghĩ lại, cũng có đôi chút... tiêng tiếc!). 

Sau đó là chuỗi ngày ngày tháng tháng cắm rễ ở thư viện, kéo dài từ mùa hè lớp 5 của tôi đến tận lớp 8, lớp 9. Do ít đầu sách, cộng thêm việc "ngốn bất chấp" tất cả những thứ có thể đọc được, nên lúc ấy tôi có "khả năng đặc biệt" là... nói tên nhớ nội dung, biết rõ vị trí đặt để của hầu hết sách, báo, truyện trong thư viện. Vì vậy tôi được mấy cô thủ thư (cũng là đồng nghiệp của cha tôi) cho làm cộng tác viên... phi chính quy! Nghĩa là, làm free! - Giúp dọn dẹp, sắp xếp sách; đóng gáy, bao bìa, phân loại thẻ ghi chú... Thư viện có cả nhóm CTV thiếu nhi & thiếu niên, ai cũng như ai, đều nhiệt tình "công tác" không kể công, lấy "ưu đãi" được đọc sách miễn phí (và ưu tiên chọn sách mới về trước người khác) làm motivation. Những ngày tháng đó, chỉ toàn niềm vui hồn nhiên! 

#2 Viết giới thiệu sách - những đồng tiền tự kiếm đầu tiên 

Cũng nhờ làm CTV cho thư viện thiếu nhi, tôi được cô Ngân thủ thư dẫn dắt, thử sức với việc viết lách đầu tiên trong đời: Viết giới thiệu sách, gửi cho Đài phát thanh thị xã - để chọn đọc trong chương trình măng non. Tới tận hôm nay, tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi nghe bài viết của mình được đọc lên trên sóng radio, giới thiệu cuốn "Bước chân hoang" (tác giả Phù Sa Lộc), cảm giác sung sướng pha lẫn len lén tự hào khi "khoe" với cha mẹ số tiền nhuận bút mới nhận, vỏn vẹn 5.000 đồng! Số tiền nghe thấy thiệt... buồn cười, nhưng ở thời điểm 1995-1996, nó đã có thể cho tôi một bữa ăn sáng hoành tráng, một ly đá đậu lúc tan trường, mà vẫn còn dư mua được thêm vài cây bút. 

Những đồng tiền tự kiếm đầu tiên, nhìn lại, hóa ra cũng chính là khởi đầu "mối duyên" của tôi với nghiệp viết, với con chữ, làm nên "bản sắc tôi" bây giờ. 

#3 PTV chương trình thiếu nhi (Đài PTTH tỉnh) - công việc đầu tiên được trả... lương tháng

Cuối lớp 7, đã quen viết giới thiệu sách, tôi được các cô, anh chị cùng nhóm CTV thư viện khuyến khích dự thi "Kể chuyện & giới thiệu sách" - trong khuôn khổ "Ngày hội Hoa phượng đỏ" của tỉnh. Tham gia trong đội đại diện trường cấp 2, không hề đoán trước, tôi giành được Giải Nhất - với bài chia sẻ... ướt át về "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán. 

Từ cuộc thi, tôi may mắn được "mời" làm phát thanh viên cho chương trình thiếu nhi của Đài PTTH tỉnh - đang trong quá trình hình thành, chuẩn bị phát sóng - cùng với hai em gái khác. Đây bất ngờ trở thành công việc chính thức đầu tiên của tôi, nhân viên có hợp đồng, được trả lương cố định hàng tháng với mức 60.000 đồng. Công việc này kéo dài được khoảng gần 2 năm. 

#4 Những công việc linh tinh thời sinh viên - tích lũy kinh nghiệm, lưu giữ niềm vui 

Giống như bao sinh viên tỉnh trọ học xa nhà khác, tôi cũng đã có những quãng thời gian làm đủ thứ linh tinh lang tang chỉ với mục đích duy nhất: Kiếm tiền! Từ dán hộp, bán sô-cô-la, phát tờ rơi, phát mẫu thử (trà, nước rửa chén, kẹo ngậm, thuốc…), dán poster… tôi cùng những đứa bạn thân của mình, bất chấp nắng mưa, lăn lộn từ quận này sang quận khác, từ đường to vô đến hẻm nhỏ, từ khu phố có bảng hiệu đến những xóm không tên… chắc đây cũng là nguyên nhân lớn góp phần giúp tôi… rành đường. 

Số tiền nhận về sau mỗi part-time job này, có khi nhiều, có khi ít, có lúc kiếm thật dễ dàng, có lúc lại là kết quả của biết bao nhiêu vất vả, kiềm nén, ức chế… Nhưng sau hết, vẫn là niềm vui đáng nhớ, những kinh nghiệm nhỏ nhoi tích lũy dần thành phản xạ, thành thái độ, thành cách xử lý vấn đề… mà tôi áp dụng được cả cho những công việc “chuyên nghiệp” hơn sau này. 

#5 Nhân viên nghiên cứu thị trường (C.I) - thời gian ngắn nhưng học được rất nhiều 

Tầm năm 4 đại học, được mấy người bạn rủ rê, tôi cũng tập tành đi làm… nhân viên nghiên cứu thị trường - một nghề khá hot đối với sinh viên làm thêm lúc bấy giờ. Xưng danh cho “oách”, chứ thực ra là vác bảng hỏi kèm samples, “chai mặt” lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm, để tìm cho đúng target audience và đủ số lượng bảng hỏi theo yêu cầu. Tiền công tương ứng với số bảng hỏi hoàn thành, nên đi càng nhiều, “chịu nhục” càng cao, miệng mồm càng “dẻo”, thì kiếm được càng khá. Nghề này, phải làm, mới thấu. Đủ chuyện bi hài. Tuy nhiên, thực tâm là học được rất nhiều. 

#6 Nhân viên truyền thông (Dự án giáo dục môi trường dành cho HS tiểu học của Tetra Pak) - công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp 

Đâu đó tầm tháng 8/2007, thi tốt nghiệp xong, biết kết quả, chỉ chờ lĩnh bằng, tôi bỏ về quê… an dưỡng. Kế hoạch của tôi là sẽ… ăn chơi dài hạn, cho hết năm, khi đã có bằng tốt nghiệp trong tay thì mới tính tới chuyện tìm việc. 

Ít lâu sau, đột nhiên người chị rất thân gọi về cho cha mẹ tôi, nói công ty chị ấy đang có dự án cần tuyển nhân sự, cơ hội dành cho sinh viên mới ra trường, nghĩ tính chất khá phù hợp, nên muốn kêu tôi tham gia. Tôi lần lữa (cơ bản vì… lười!), cuối cùng vẫn quyết định khăn gói ngược trở lại Saigon. 

Quyết định này, đã cho tôi thêm những kinh nghiệm giá trị mới, ba tháng dự án cực khổ mà nhiều tích lũy, thêm ba tháng làm nhân viên chính thức cho OneStep Ltd. Co. với thêm kha khá bài học - đặc biệt là how to deal with a bitchy boss! 

#7 Nhân viên quản lý nội dung website (VinaGame) - môi trường chuyên nghiệp đầu tiên, những bài học lớn hơn, và Phỉ 

4 năm, ko phải đoạn đường dài, nhưng ko hề ngắn - là thời gian tôi gắn bó với job thứ 7 này. nói về nó, chỉ có thể ngắn gọn như chính cụm chú giải phía trên. Là môi trường chuyên nghiệp đầu tiên nơi tôi được va chạm, rèn giũa và học vô vàn bài học lớn. Có những bài học vẫn theo tôi đến thì hiện tại. #7, với tôi, sẽ mãi là một dấu khắc sâu trong hành trình vào đời. 

Và, như một lẽ dĩ nhiên, nhắc về quãng này, thì tôi lại nghĩ đến Phỉ - những người đồng nghiệp giờ đã trở thành bạn. Nghĩ, mà mỉm cười, đơn giản vậy thôi. 

...


Friday, August 12, 2016

Từ ngày em bỏ hoang đường



Từ ngày em bỏ hoang đường 
Mình anh lạc giữa vô thường thế gian 

Em theo cánh gió xa ngàn 
Anh về xếp lại lang thang một đời 

Bên hiên nhặt trộm tiếng cười 
Em xưa ngơ ngẩn đánh rơi cuộc tình 

Nhìn sâu vào đáy tim mình 
Anh lau vết nhớ bằng hình dung em... 

... 

(Saigon, 
 một ngày sau Thất Tịch 
năm Hai Nghìn Không Trăm Mười Sáu)


Tuesday, August 9, 2016

Còn thiếu một nén nhang



Trong Đại Hùng Bảo Điện nguy nga đồ sộ, có một cậu thiếu niên đang dâng hương cầu khẩn Phật Tổ. Cậu cắm ba nén nhang vào trong lư hương, thầm cầu khẩn rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ con thi đậu khoa cử, thăng quan tiến chức, tận trung báo quốc, tạo phúc cho người dân trong làng”. Nói xong lại bái lạy vài lần, lúc này mới đứng dậy rời đi. 

Phật Tổ nhìn cậu thiếu niên bên dưới chỉ cười mà không nói gì, tôn giả A Nan đứng bên cạnh hỏi rằng: “Thưa Phật Đà, cậu thiếu niên này vô cùng thành khẩn, lời nguyện phát ra lại là nguyện lành, vậy sao Người không nhận lời?”. Phật Tổ chỉ mỉm cười, chậm rãi nói: “Bởi còn thiếu một nén nhang”. 

“Còn thiếu một nén?”, tôn giả A Nan nhìn ba nén nhang vẫn còn trong lư hương, nghĩ mãi vẫn không hiểu được. 

...

Thoáng một cái đã mười năm trôi qua, cậu thiếu niên ngây ngô ngày nào giờ đã trở thành một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, khí phách oai hùng. Kỳ thi năm đó tuy chàng không thi đậu, nhưng ngược lại chàng đã vứt bút tòng quân, trở thành một viên võ tướng, đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong quân đội. Lần này về lại quê làng, là đặc biệt trở về cử hành hỷ sự. 

Chàng thanh niên vẫn giống như trước đây, thắp ba nén nhang đàn hương, cung kính quỳ lạy trước tượng Phật rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ cho hạ quan kết được một mối duyên lành, thê tử hiền thục, vợ chồng hòa thuận”. Vừa nói vừa dập đầu sát mặt đất. 

Tôn giả A Nan nhìn thấy màn này thì rất xúc động, quay đầu lại nhìn thấy Phật Tổ vẫn mỉm cười không nói gì, lại bèn hỏi rằng: “Thưa Phật Đà, sao Người lại không nhận lời anh ta?”. Phật Tổ cười nói: “Vẫn còn thiếu một nén nhang”. 

...

Nháy mắt lại mười năm đã trôi qua, chàng thanh niên giờ đã bước vào tuổi trung niên. Khi ông đi vào Đại Hùng Bảo Điện lần nữa, trên gương mặt đã phảng phất hiện ra mấy nếp nhăn. Bởi bị bị gia tộc nhà vợ liên lụy, đại tướng quân oai phong lẫm liệt năm nào, giờ đây đã bị giáng chức làm một viên quan quèn ở địa phương; bao nhiêu chí nguyện lớn lao nay đều không thể thực hiện được nữa. 

Ông bước vào Bảo Điện dâng hương bái lạy, thầm cầu khẩn, cầu cho con cái của mình có thể chuyên tâm học hành, hoàn thành sự nghiệp dang dở của mình. Tôn giả A Nan nhìn nhìn ông, lại quay sang nhìn Phật Tổ đang mỉm cười không nói gì, trong lòng than rằng: “Rốt cuộc vẫn còn thiếu một nén nhang”. 

...

Mười năm lại trôi qua, người trung niên giờ đây tóc đã hoa râm bước vào tuổi già. Lúc này ông đã giải ngũ về làng, sống an cư nơi thôn dã, không còn chí nguyện to lớn như ngày trước nữa. 

Người lão niên thắp ba nén nhang đàn hương giống như trước đây, khấu đầu rằng: “Phật Tổ, ngày trước con đã nhiều lần đến cầu nguyện, nhưng Người trước sau đều chưa từng nhận lời con dù chỉ một lần. Nhưng một lần này đến đây xin Người hãy thành toàn cho tấm lòng hiếu thảo của con. còn thiếu một nén nhang Nghĩ đến ngày trước, cha con mất sớm, là mẹ già trong nhà đã vất vả nuôi nấng con khôn lớn thành người. Bây giờ mẹ già tuổi đã cao, chỉ mong bà có thể bình an vô sự, vui vẻ sống quãng đời còn lại, ngoài điều này ra không còn cầu mong gì hơn nữa”. 

Tôn giả A Nan nghe thấy những lời này thật không đành lòng, quay đầu nhìn sang Phật Tổ, lại phát hiện trên gương mặt Phật Tổ đã nở nụ cười, nhẹ nhàng gật đầu: “Vậy sẽ như nguyện của con vậy”. 

Người lão niên đi ra khỏi chùa, còn chưa về đến nhà, tin mừng đã từ xa truyền lại, hai người con trai của ông lại cùng lúc thi đậu văn võ trạng nguyên trong triều, hơn nữa triều đình còn ban bố chiếu thư rửa sạch nỗi oan của ông, để cho ông khôi phục chức quan, còn thăng lên ba bậc. 

Nhưng lần này người lão niên cuối cùng đã không nhận lệnh. Ông đã quyết định từ nay ở lại trong nhà chăm lo cho mẹ già. 

...

Con người ta cả một đời đứng trước tượng Phật chỉ chăm chú cầu khẩn cho những lợi ích, danh vọng của bản thân mình, nhưng rốt cuộc vẫn là còn “thiếu một nén nhang”. 

Người xưa có câu rằng “Trăm điều thiện, Hiếu đứng đầu”, tấm lòng hiếu thuận của người con quả thật có thể làm cảm động Đất Trời. 

Đọc xong câu chuyện này, mong bạn cũng tỏ lòng biết ơn, thắp một nén nhang cầu nguyện cho cha mẹ, người đã vì bạn mà vất vả một đời này!

(Sưu Tầm)


Monday, July 4, 2016

Nhìn lại nửa đầu 2016


Tháng Sáu ngỡ thật dài, vậy mà, cũng vội qua như bao nhiêu ngày tháng khác. Giờ đã là đầu tháng Bảy. Giờ đã bước vào nửa sau của Hai Không Mười Sáu. Thì, lại đến lúc nên dành chút thời gian ngoái nhìn. 

Tháng Một. 

Kết nối lại với một vài nối kết cũ. Mở năm bằng những dự định mới riêng cho bản thân. Chọn lựa phương thức sống của Hai Không Mười Sáu là “Work hard, travel more”

Tháng Hai. 

Tết giản dị, như vốn dĩ. Tiệc tùng liên miên những ngày hậu Tết. Có vài gần gũi sắp hóa quen thuộc. Những niềm vui nhỏ nhặt vỗ lòng. 

Tháng Ba. 

Hành trình Burma sẽ mãi ghi nhớ. Và Bagan. Và #lophoctinhthuong. Những lần đầu tiên đáng giá. Những xúc cảm đặc biệt in sâu vào tiềm thức. Bước nhỏ khai màn cho chuỗi “travel more” của năm nay. 

Luôn tin vào sự kỳ diệu của vận mệnh, một sự kiện bất kỳ, ngẫu nhiên hay toan tính, vẫn có tác động nhất định và dẫn theo cả chuỗi sự kiện tiếp theo. Tựa cú vỗ cánh của con bướm nhỏ, thậm chí có thể gây bão giông. 

Tháng Tư. 

Nghĩ nhiều về mất mát. Lần nữa cùng #lophoctinhthuong tìm vui nơi chốn lạ xa. Thấy thèm được sống hồn nhiên. 

Đối mặt với một chọn lựa khó khăn, sau hết, vẫn là thuận theo trực giác và lý lẽ tim mình. 

Tháng Năm. 

Nối dài những chuyến đi của năm đến với Koh Rong & Koh Rong Sanloem. Vùng nhớ lại có thêm những dấu ấn mới. Là mưa trên biển vắng. Là đêm với bầu trời mông mênh ở trên cao, biển êm ả sóng vỗ về bên dưới, cùng rượu vang, cùng khói thuốc. Là “một lần mình sống như những đứa nhóc không nhà, sớm thức dậy ở một nơi xa…” (1) 

Tháng Sáu. 

Có thêm những mất mát. Có thừa những nỗi buồn. Nhưng, lạ lùng thay, mọi thứ bỗng yên lắng trở lại vào quãng cuối tháng. Giống như mưa dứt, trời trong hơn, và mát lành. 

Chính thức rời khỏi căn phòng thân thuộc suốt 8 năm, chuyển về một nơi mới. Ngỡ là hụt hẫng, ngỡ là buồn thương, nhưng hóa ra, đôi khi năng lực chấp nhận của bản thân lại mạnh mẽ hơn mình những tưởng. Thích nghi nhanh chóng đến mức giật mình, đến mức hiểu rõ thêm câu nói hôm nào tâm niệm: Thật ra, bất kỳ điều gì cũng có thể thay đổi! 

Nhân nhắc về chuyện thay đổi, phát hiện xung quanh mình cũng đã có quá nhiều đổi thay. Lại thấy Haruki Murakami quả thực là bậc thầy trong việc giải mã tâm lý con người, khi mà toàn viết ra những điều chân xác vô cùng: “Cuộc đời thật kỳ lạ. Thứ ta từng nghĩ là lung linh, là tuyệt đối, từng nghĩ có thể từ bỏ tất cả để đạt được nó thì khi thời gian trôi qua, hay khi nhìn ở một góc khác, thứ đó bỗng trở nên nhạt nhẽo đến kinh ngạc.” (2) 

Tháng Bảy. 

Sự Ở tạm an ổn. Sự ĐI sẽ tiếp diễn. Cái gì đến, thì đón nhận, vậy thôi!

...


(1) lyrics bài "Đưa nhau đi trốn".
(2) trích từ truyện ngắn Scheherazade trong tập "Những người đàn ông không có đàn bà".


Friday, June 3, 2016

Rêu phong


Con chim nhặt nắng vườn sau 
thả vào quên lãng thành màu mưa phai.
Tháng Sáu - một giấc mê dài 
Lòng thương còn mãi miệt mài tìm thương… 

Cơn gió lang thang cuối đường 
Chiều nay về ngủ bên giường tim côi,
Chiêm bao năm tháng qua rồi 
Chợt rơi giọt lệ thành lời hát đau...

Tháng Sáu - sầu nhẹ lên cao 
Nhìn ngày đã mất, cúi chào rêu phong...

...

[Saigon, 
những ngày buồn tháng Sáu.]


Friday, May 13, 2016

Đột nhiên đến Tây Tạng


"Đầu tiên, tôi chọn cuốn sách này vì Trần Khôn, và Tây Tạng. Dẫu rằng, không tránh khỏi thoáng chút hồ nghi. Nhưng rồi, sau khi lật giở, chỉ một vài trang, mọi hồ nghi biến mất. Và, tôi đã tin chắc: Mình & cuốn sách này hợp duyên. 

Câu chuyện của Khôn, chuyến đi của Khôn, không lường trước, lại có thể chạm đến tôi. Sâu bên trong. Những niềm tin chọn lọc của chính mình, bỗng một hôm tìm được người đồng cảm, dù chỉ thông qua câu chữ, vẫn thấy quá đỗi hài lòng. 

Tôi mừng vui vô hạn khi gặp lại bản ngã mình nơi cuốn sách. 

8 tháng 5 năm 2016, tôi đọc đến những dòng cuối, ngay tại đây, ngay lúc này, Koh Rong Sanloem yên vắng, và biển với những giai điệu tự thân đẹp đẽ. Trùng hợp, cũng là trong một chuyến đi. Thế nên, có lẽ, sức tác động của những gì Khôn viết càng mạnh mẽ hơn. Nhất là khi, bản thân tôi, cũng đang có những vấn đề hiện tại cần phải đối mặt, những hành trình cần phải can đảm bắt đầu. 

Hy vọng, nhờ cơn đốn ngộ tại thời điểm này, tôi có thể bình tâm mà lựa chọn, mà Đi tiếp đường mình. 

P/S: Đọc cuốn này, thực sự nhớ một người." 

... 

[những lời ghi ở cuối sách (có điều chỉnh đôi chút), 
Koh Rong Sanloem, Cambodia | 08/05/16]