Sunday, August 28, 2016

Người không thuộc về




Thì mãi người đâu thuộc về 
Cơn mưa sẽ tạnh, lời thề cũng tan 

Nửa câu yêu cũ dở dang 
Nhành hoa ngày ấy đã tàn không hay 

Bàn tay vụt mất bàn tay 
Cánh chim bay mãi phía ngày lãng quên 

Đôi vần thơ nhạt không tên 
Hóa thành cánh gió về bên kia đồi 

Mây xưa tàn cuối chân trời 
Ngoài hiên mấy giọt nắng ngời vừa phai 

Thì xin hạnh phúc cho ai 
Riêng ta quen lối, đường dài lại đi... 

...

[26/08/2011,
post để lưu.]


Monday, August 22, 2016

Đếm mưa trên lá


Buổi chiều hôm ấy, và mưa
Đường xa ướt áo ta đưa em về
Dưới hiên buộc một câu thề
Phải duyên phải nợ xin về với nhau

Ai ngờ, mưa vội tan mau
Ai ngờ, em vội qua cầu gió bay
Để mình ta buổi chiều nay
Đếm mưa trên lá mà loay hoay buồn...

...

(Saigon, 220816
nhân ngồi quán mưa, nghe trúng một bài hát xưa.)


Friday, August 19, 2016

#first7jobs


#1 CTV thư viện thiếu nhi tỉnh - làm vì… đam mê 

Đam mê sách từ nhỏ, nên lúc biết tin Nhà văn hóa chỗ cha mình làm việc sẽ mở thư viện thiếu nhi, tôi phấn khích dã man. Buổi đầu, thư viện nhó xíu nhỏ xiu, lác đác mấy đầu sách. Ban quản lý phải kêu gọi ngay chính gia đình cán bộ công nhân viên đóng góp thêm sách báo. Tôi từng vui vẻ quyên hết bộ 7 viên ngọc rồng, Đô-rê-mon, cả chồng báo Nhi đồng, Rùa vàng, Khăn quàng đỏ (do thuở đó mẹ còn đặt báo ở Bưu điện cho mình) và cơ số sách, truyện linh tinh khác - mà không mảy may hối hận (dù thú thực lớn lên nghĩ lại, cũng có đôi chút... tiêng tiếc!). 

Sau đó là chuỗi ngày ngày tháng tháng cắm rễ ở thư viện, kéo dài từ mùa hè lớp 5 của tôi đến tận lớp 8, lớp 9. Do ít đầu sách, cộng thêm việc "ngốn bất chấp" tất cả những thứ có thể đọc được, nên lúc ấy tôi có "khả năng đặc biệt" là... nói tên nhớ nội dung, biết rõ vị trí đặt để của hầu hết sách, báo, truyện trong thư viện. Vì vậy tôi được mấy cô thủ thư (cũng là đồng nghiệp của cha tôi) cho làm cộng tác viên... phi chính quy! Nghĩa là, làm free! - Giúp dọn dẹp, sắp xếp sách; đóng gáy, bao bìa, phân loại thẻ ghi chú... Thư viện có cả nhóm CTV thiếu nhi & thiếu niên, ai cũng như ai, đều nhiệt tình "công tác" không kể công, lấy "ưu đãi" được đọc sách miễn phí (và ưu tiên chọn sách mới về trước người khác) làm motivation. Những ngày tháng đó, chỉ toàn niềm vui hồn nhiên! 

#2 Viết giới thiệu sách - những đồng tiền tự kiếm đầu tiên 

Cũng nhờ làm CTV cho thư viện thiếu nhi, tôi được cô Ngân thủ thư dẫn dắt, thử sức với việc viết lách đầu tiên trong đời: Viết giới thiệu sách, gửi cho Đài phát thanh thị xã - để chọn đọc trong chương trình măng non. Tới tận hôm nay, tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi nghe bài viết của mình được đọc lên trên sóng radio, giới thiệu cuốn "Bước chân hoang" (tác giả Phù Sa Lộc), cảm giác sung sướng pha lẫn len lén tự hào khi "khoe" với cha mẹ số tiền nhuận bút mới nhận, vỏn vẹn 5.000 đồng! Số tiền nghe thấy thiệt... buồn cười, nhưng ở thời điểm 1995-1996, nó đã có thể cho tôi một bữa ăn sáng hoành tráng, một ly đá đậu lúc tan trường, mà vẫn còn dư mua được thêm vài cây bút. 

Những đồng tiền tự kiếm đầu tiên, nhìn lại, hóa ra cũng chính là khởi đầu "mối duyên" của tôi với nghiệp viết, với con chữ, làm nên "bản sắc tôi" bây giờ. 

#3 PTV chương trình thiếu nhi (Đài PTTH tỉnh) - công việc đầu tiên được trả... lương tháng

Cuối lớp 7, đã quen viết giới thiệu sách, tôi được các cô, anh chị cùng nhóm CTV thư viện khuyến khích dự thi "Kể chuyện & giới thiệu sách" - trong khuôn khổ "Ngày hội Hoa phượng đỏ" của tỉnh. Tham gia trong đội đại diện trường cấp 2, không hề đoán trước, tôi giành được Giải Nhất - với bài chia sẻ... ướt át về "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán. 

Từ cuộc thi, tôi may mắn được "mời" làm phát thanh viên cho chương trình thiếu nhi của Đài PTTH tỉnh - đang trong quá trình hình thành, chuẩn bị phát sóng - cùng với hai em gái khác. Đây bất ngờ trở thành công việc chính thức đầu tiên của tôi, nhân viên có hợp đồng, được trả lương cố định hàng tháng với mức 60.000 đồng. Công việc này kéo dài được khoảng gần 2 năm. 

#4 Những công việc linh tinh thời sinh viên - tích lũy kinh nghiệm, lưu giữ niềm vui 

Giống như bao sinh viên tỉnh trọ học xa nhà khác, tôi cũng đã có những quãng thời gian làm đủ thứ linh tinh lang tang chỉ với mục đích duy nhất: Kiếm tiền! Từ dán hộp, bán sô-cô-la, phát tờ rơi, phát mẫu thử (trà, nước rửa chén, kẹo ngậm, thuốc…), dán poster… tôi cùng những đứa bạn thân của mình, bất chấp nắng mưa, lăn lộn từ quận này sang quận khác, từ đường to vô đến hẻm nhỏ, từ khu phố có bảng hiệu đến những xóm không tên… chắc đây cũng là nguyên nhân lớn góp phần giúp tôi… rành đường. 

Số tiền nhận về sau mỗi part-time job này, có khi nhiều, có khi ít, có lúc kiếm thật dễ dàng, có lúc lại là kết quả của biết bao nhiêu vất vả, kiềm nén, ức chế… Nhưng sau hết, vẫn là niềm vui đáng nhớ, những kinh nghiệm nhỏ nhoi tích lũy dần thành phản xạ, thành thái độ, thành cách xử lý vấn đề… mà tôi áp dụng được cả cho những công việc “chuyên nghiệp” hơn sau này. 

#5 Nhân viên nghiên cứu thị trường (C.I) - thời gian ngắn nhưng học được rất nhiều 

Tầm năm 4 đại học, được mấy người bạn rủ rê, tôi cũng tập tành đi làm… nhân viên nghiên cứu thị trường - một nghề khá hot đối với sinh viên làm thêm lúc bấy giờ. Xưng danh cho “oách”, chứ thực ra là vác bảng hỏi kèm samples, “chai mặt” lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm, để tìm cho đúng target audience và đủ số lượng bảng hỏi theo yêu cầu. Tiền công tương ứng với số bảng hỏi hoàn thành, nên đi càng nhiều, “chịu nhục” càng cao, miệng mồm càng “dẻo”, thì kiếm được càng khá. Nghề này, phải làm, mới thấu. Đủ chuyện bi hài. Tuy nhiên, thực tâm là học được rất nhiều. 

#6 Nhân viên truyền thông (Dự án giáo dục môi trường dành cho HS tiểu học của Tetra Pak) - công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp 

Đâu đó tầm tháng 8/2007, thi tốt nghiệp xong, biết kết quả, chỉ chờ lĩnh bằng, tôi bỏ về quê… an dưỡng. Kế hoạch của tôi là sẽ… ăn chơi dài hạn, cho hết năm, khi đã có bằng tốt nghiệp trong tay thì mới tính tới chuyện tìm việc. 

Ít lâu sau, đột nhiên người chị rất thân gọi về cho cha mẹ tôi, nói công ty chị ấy đang có dự án cần tuyển nhân sự, cơ hội dành cho sinh viên mới ra trường, nghĩ tính chất khá phù hợp, nên muốn kêu tôi tham gia. Tôi lần lữa (cơ bản vì… lười!), cuối cùng vẫn quyết định khăn gói ngược trở lại Saigon. 

Quyết định này, đã cho tôi thêm những kinh nghiệm giá trị mới, ba tháng dự án cực khổ mà nhiều tích lũy, thêm ba tháng làm nhân viên chính thức cho OneStep Ltd. Co. với thêm kha khá bài học - đặc biệt là how to deal with a bitchy boss! 

#7 Nhân viên quản lý nội dung website (VinaGame) - môi trường chuyên nghiệp đầu tiên, những bài học lớn hơn, và Phỉ 

4 năm, ko phải đoạn đường dài, nhưng ko hề ngắn - là thời gian tôi gắn bó với job thứ 7 này. nói về nó, chỉ có thể ngắn gọn như chính cụm chú giải phía trên. Là môi trường chuyên nghiệp đầu tiên nơi tôi được va chạm, rèn giũa và học vô vàn bài học lớn. Có những bài học vẫn theo tôi đến thì hiện tại. #7, với tôi, sẽ mãi là một dấu khắc sâu trong hành trình vào đời. 

Và, như một lẽ dĩ nhiên, nhắc về quãng này, thì tôi lại nghĩ đến Phỉ - những người đồng nghiệp giờ đã trở thành bạn. Nghĩ, mà mỉm cười, đơn giản vậy thôi. 

...


Friday, August 12, 2016

Từ ngày em bỏ hoang đường



Từ ngày em bỏ hoang đường 
Mình anh lạc giữa vô thường thế gian 

Em theo cánh gió xa ngàn 
Anh về xếp lại lang thang một đời 

Bên hiên nhặt trộm tiếng cười 
Em xưa ngơ ngẩn đánh rơi cuộc tình 

Nhìn sâu vào đáy tim mình 
Anh lau vết nhớ bằng hình dung em... 

... 

(Saigon, 
 một ngày sau Thất Tịch 
năm Hai Nghìn Không Trăm Mười Sáu)


Tuesday, August 9, 2016

Còn thiếu một nén nhang



Trong Đại Hùng Bảo Điện nguy nga đồ sộ, có một cậu thiếu niên đang dâng hương cầu khẩn Phật Tổ. Cậu cắm ba nén nhang vào trong lư hương, thầm cầu khẩn rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ con thi đậu khoa cử, thăng quan tiến chức, tận trung báo quốc, tạo phúc cho người dân trong làng”. Nói xong lại bái lạy vài lần, lúc này mới đứng dậy rời đi. 

Phật Tổ nhìn cậu thiếu niên bên dưới chỉ cười mà không nói gì, tôn giả A Nan đứng bên cạnh hỏi rằng: “Thưa Phật Đà, cậu thiếu niên này vô cùng thành khẩn, lời nguyện phát ra lại là nguyện lành, vậy sao Người không nhận lời?”. Phật Tổ chỉ mỉm cười, chậm rãi nói: “Bởi còn thiếu một nén nhang”. 

“Còn thiếu một nén?”, tôn giả A Nan nhìn ba nén nhang vẫn còn trong lư hương, nghĩ mãi vẫn không hiểu được. 

...

Thoáng một cái đã mười năm trôi qua, cậu thiếu niên ngây ngô ngày nào giờ đã trở thành một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, khí phách oai hùng. Kỳ thi năm đó tuy chàng không thi đậu, nhưng ngược lại chàng đã vứt bút tòng quân, trở thành một viên võ tướng, đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong quân đội. Lần này về lại quê làng, là đặc biệt trở về cử hành hỷ sự. 

Chàng thanh niên vẫn giống như trước đây, thắp ba nén nhang đàn hương, cung kính quỳ lạy trước tượng Phật rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ cho hạ quan kết được một mối duyên lành, thê tử hiền thục, vợ chồng hòa thuận”. Vừa nói vừa dập đầu sát mặt đất. 

Tôn giả A Nan nhìn thấy màn này thì rất xúc động, quay đầu lại nhìn thấy Phật Tổ vẫn mỉm cười không nói gì, lại bèn hỏi rằng: “Thưa Phật Đà, sao Người lại không nhận lời anh ta?”. Phật Tổ cười nói: “Vẫn còn thiếu một nén nhang”. 

...

Nháy mắt lại mười năm đã trôi qua, chàng thanh niên giờ đã bước vào tuổi trung niên. Khi ông đi vào Đại Hùng Bảo Điện lần nữa, trên gương mặt đã phảng phất hiện ra mấy nếp nhăn. Bởi bị bị gia tộc nhà vợ liên lụy, đại tướng quân oai phong lẫm liệt năm nào, giờ đây đã bị giáng chức làm một viên quan quèn ở địa phương; bao nhiêu chí nguyện lớn lao nay đều không thể thực hiện được nữa. 

Ông bước vào Bảo Điện dâng hương bái lạy, thầm cầu khẩn, cầu cho con cái của mình có thể chuyên tâm học hành, hoàn thành sự nghiệp dang dở của mình. Tôn giả A Nan nhìn nhìn ông, lại quay sang nhìn Phật Tổ đang mỉm cười không nói gì, trong lòng than rằng: “Rốt cuộc vẫn còn thiếu một nén nhang”. 

...

Mười năm lại trôi qua, người trung niên giờ đây tóc đã hoa râm bước vào tuổi già. Lúc này ông đã giải ngũ về làng, sống an cư nơi thôn dã, không còn chí nguyện to lớn như ngày trước nữa. 

Người lão niên thắp ba nén nhang đàn hương giống như trước đây, khấu đầu rằng: “Phật Tổ, ngày trước con đã nhiều lần đến cầu nguyện, nhưng Người trước sau đều chưa từng nhận lời con dù chỉ một lần. Nhưng một lần này đến đây xin Người hãy thành toàn cho tấm lòng hiếu thảo của con. còn thiếu một nén nhang Nghĩ đến ngày trước, cha con mất sớm, là mẹ già trong nhà đã vất vả nuôi nấng con khôn lớn thành người. Bây giờ mẹ già tuổi đã cao, chỉ mong bà có thể bình an vô sự, vui vẻ sống quãng đời còn lại, ngoài điều này ra không còn cầu mong gì hơn nữa”. 

Tôn giả A Nan nghe thấy những lời này thật không đành lòng, quay đầu nhìn sang Phật Tổ, lại phát hiện trên gương mặt Phật Tổ đã nở nụ cười, nhẹ nhàng gật đầu: “Vậy sẽ như nguyện của con vậy”. 

Người lão niên đi ra khỏi chùa, còn chưa về đến nhà, tin mừng đã từ xa truyền lại, hai người con trai của ông lại cùng lúc thi đậu văn võ trạng nguyên trong triều, hơn nữa triều đình còn ban bố chiếu thư rửa sạch nỗi oan của ông, để cho ông khôi phục chức quan, còn thăng lên ba bậc. 

Nhưng lần này người lão niên cuối cùng đã không nhận lệnh. Ông đã quyết định từ nay ở lại trong nhà chăm lo cho mẹ già. 

...

Con người ta cả một đời đứng trước tượng Phật chỉ chăm chú cầu khẩn cho những lợi ích, danh vọng của bản thân mình, nhưng rốt cuộc vẫn là còn “thiếu một nén nhang”. 

Người xưa có câu rằng “Trăm điều thiện, Hiếu đứng đầu”, tấm lòng hiếu thuận của người con quả thật có thể làm cảm động Đất Trời. 

Đọc xong câu chuyện này, mong bạn cũng tỏ lòng biết ơn, thắp một nén nhang cầu nguyện cho cha mẹ, người đã vì bạn mà vất vả một đời này!

(Sưu Tầm)