Không hiểu có phải mình quá nhạy cảm hay “mắc bệnh” thương tiếc quá vãng, mà những mùa Tết độ gần chục năm sau này, ngay trong phút vui Giao thừa, hay sáng mồng một tươi mới niềm vui, tôi cứ thấy bảng lảng một nỗi buồn nào đó. Sâu lòng vẫn cảm giác dường như có gì không trọn vẹn, không đúng mùi xuân cũ, vị Tết xưa...
Tôi đem điều này nói với mấy đứa bạn thân, cứ ngỡ sẽ nghe tụi nó quăng ngay nụ cười mai mỉa vào mặt, và thẳng thừng chê bai mình lo nghĩ như ông già bảy chục, ai ngờ, đứa nào cũng tặc lưỡi: “Ừ thì, Tết bây giờ không còn đúng vui như Tết nữa, chừng qua mồng hai đã thấy hơi Tết bay sạch đâu mất... Chán gì đâu!” Rồi thì thở dài, rồi thì tự dưng cả lũ ngậm ngùi ngồi nhắc nhau nhớ về năm nảo năm nào, những ngày Tết rộn ràng ký ức tuổi thơ chưa thể nguôi ngoai...
Cái thuở tưởng như mới đó, vậy mà, cũng đã gần hai mươi năm.
Tết ngày đó mới thật rộn ràng làm sao, vì vô số hương sắc mùi vị mà đối với trẻ con chúng tôi, quả là những kỳ diệu không gì có thể so sánh được.
Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp (tháng Mười Hai âm lịch) nhà nhà đã xôn xao không khí mùa xuân. Ông bà bắt đầu căn dặn ba mẹ cô dì chú bác lo dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa trang hoàng những thứ cần thiết cho sớm để cận Tết đỡ nhọc công. Thế là mấy buổi chiều muộn, sẽ thấy trước sân nhà, ba tranh thủ ngồi đánh bóng lại bộ lư hương, hay hì hụi sơn lại cánh cửa rào hoen gỉ, đi vôi cho mịn hai bên hông nhà ố đen vì mưa gió cả năm; mẹ thì lúi cúi dưới bếp xem gạo mắm muối đường dầu cái nào đã vơi thì sớm mai đi chợ sẽ mua về châm vào cho vung đầy, hay ngồi lẩm nhẩm tính toán tiền nong để biết Tết này chi tiêu sao cho vừa bụng nhất mà cả nhà vẫn có những ngày vui ấm cúng.
Lũ trẻ thì sung sướng nhất, sau kỳ thi học kỳ căng thẳng đã qua, giờ cũng chỉ thảnh thơi đến lớp chủ yếu để vui vầy bè bạn, và suốt ngày náo nức trông đợi xem năm nay mình sẽ được mua bao nhiêu bộ đồ mới, sẽ được dẫn đi đâu chơi, có được lì xì nhiều hơn năm ngoái hay không... Từ nhà đến trường, từ trường về nhà, đâu đâu cũng thấy râm ran niềm hứng khởi được gọi tên là “Sắp đến Tết rồi!” - một bài hát thiếu nhi mà tin chắc đứa trẻ nào thời đó cũng thuộc làu, và sẽ hát váng những ngày gần đón xuân về.
Lũ trẻ thì sung sướng nhất, sau kỳ thi học kỳ căng thẳng đã qua, giờ cũng chỉ thảnh thơi đến lớp chủ yếu để vui vầy bè bạn, và suốt ngày náo nức trông đợi xem năm nay mình sẽ được mua bao nhiêu bộ đồ mới, sẽ được dẫn đi đâu chơi, có được lì xì nhiều hơn năm ngoái hay không... Từ nhà đến trường, từ trường về nhà, đâu đâu cũng thấy râm ran niềm hứng khởi được gọi tên là “Sắp đến Tết rồi!” - một bài hát thiếu nhi mà tin chắc đứa trẻ nào thời đó cũng thuộc làu, và sẽ hát váng những ngày gần đón xuân về.
Qua khỏi Rằm tháng Chạp là dường như Tết đã về ngay trước ngõ. Trong nhà bắt đầu đã có ít nhiều bánh mứt hạt dưa, do mẹ mua sớm vì lo mấy hôm tới sẽ trở nên đắt đỏ. Hai bên hông nhà đã nồng mùi vôi mới, cánh cửa rào sơn phết lại giờ cũng đã tinh tươm như chưa từng có ố phai, mấy bộ chén sứa đũa ngà mới được thay cho những món cũ kỹ nằm khoe vẻ óng ánh trong tủ chạn, ngoài sân trước cây mai già đã bắt đầu lấm tấm những nụ xanh rì chờ nở rộ đúng ngày... Tất cả như cùng hòa âm thành những giai điệu réo rắt, làm lòng người rộn rã trông chờ...
Tiễn ông Táo về trời, lũ trẻ không biết gì cũng tí tớn xin được thắp nén nhang, lầm rầm khấn vái ông về trời nhớ nói Ngọc Hoàng phù hộ cho con năm nay được lì xì nhiều, sang năm học ít mà điểm cao, người lớn nghe được chắc chỉ có nước lắc đầu và cười trừ vì sự ranh ma nhưng vẫn hồn nhiên rất mực thế đó của con cháu mình. Rồi phần đã đời nhất của ngày hai mươi ba giáp Tết là được ăn những viên chè trôi to như quả trứng gà với bột trắng dẻo dai, phần nhân đậu xanh ngọt bùi hòa trong nước đường thơm mức mùi gừng cùng sự béo ngậy không lẫn vào đâu của nước cốt dừa. Ôm nguyên tô chè ra ngồi ngoài hiên, ngó bà thím nhà bên lom khom quét sân, hay í ới khoe với thằng Cu Đen đang cọc cạch xe đạp ngang nhà “Tao được ăn chè trôi ngon lắm nè mày!”, thấy niềm vui cứ như cơn gió lớn thổi mát rượi trong lòng mình.
Hai chín, ba mươi là khắp nhà đã ngập mùi Tết. Từ nồi thịt kho hột vịt thơm ngầy ngậy, từ những nén nhang nồng ba thắp mỗi sáng tối, từ bánh mứt được bày biện trong những hộp nhựa màu rực rỡ, từ mâm ngũ quả được xếp đặt khéo léo chưng trên bàn thờ tổ tiên nhìn hết sức no mắt, từ những bộ đồ mới xúng xính cứ nằng nặc đòi được mặc thử...
Đêm Giao thừa, cả xóm tưng bừng như mở hội. Sau khi xong mâm cơm cúng ông bà, nhang khói đã nghi ngút trong mỗi nếp nhà, chúng tôi bắt đầu tụ tập trước khoảng sân chung, cùng nhau qua hết một đêm dài đón năm mới về. Mẹ với mấy cô mấy thím, người thì cặm cụi trông nồi bánh tét sợ thiếu hay quá lửa, người thì miệng cười không dứt khi nghe mấy chú mấy bác đùa nhau những câu tếu táo kiểu như "năm này tốt nè thím tư sanh thêm cho chú nó thằng nhóc để nhà đủ nếp tẻ" trong khi tay đảo không ngừng chảo mứt khóm hay mứt dừa thơm lừng. Ba với mấy “phụ nam” thì ngồi quây quần trên một tấm bạt cũ, nhâm nhi mấy chung rượu gọi là có chút hơi nồng mừng xuân sang, nhấm cùng dĩa lạp xưởng chiên, tô thịt kho bê từ mâm cúng xuống sau khi tàn nhang, pha trò cùng nhau cười xòa, rồi thỉnh thoảng đi ôm mấy bó củi ra cho các cô các chị châm thêm vào bếp lò, xong lại ngồi hát hò từ mấy bài thời kháng chiến đến những câu vọng cổ trêu là hồi xưa tao hát bài này bác gái mày chết mê. Lũ trẻ thì chạy quanh giỡn tới mệt đừ, buồn ngủ đến díp mắt mà cứ nhất định không vào nhà, nằm dài gối đầu lên chân ba hay mẹ mà nghe tiếng nói cười râm ran, tiếng củi khô lách tách, mùi mứt thơm, mùi bánh gần chín bắt đầu ngào ngạt... mà thiếp đi lúc nào không biết. Sáng mở mắt ra đã thấy mình ấm áp trên giường, biết ngay đêm qua được ba bồng vào.
Sang các mồng thì thật sự thấy Tết như cây mai vàng nở bung những đóa lộng lẫy. Ngày nào cũng được mặc đồ mới, được đi thăm ông bà, được đi chơi đủ nơi, đến đâu cũng được nựng nịu, được lì xì, được ăn mứt mãng cầu chua ngọt, mứt hạt sen thơm bùi, cắn hạt dưa mỏi miệng. Đường phố tràn đầy màu Tết, liễn đỏ dán trước cửa từng nhà, xác pháo trải đầy từng khoảnh sân, mùi pháo cũng thơm, mùi nhang cũng thơm, cả con nắng mấy ngày ấy cũng dường lâng lâng thứ mùi dễ chịu nào đó mà đầu óc trẻ con chưa thể tưởng tượng cho rốt ráo. Rồi được đi chùa, ngó ông phật Di Lặc ngồi chễm chệ tòa sen mà phạch bụng trắng hếu cười tươi hết cỡ, được ba kêu chạy đến xoa bụng ông ấy mà lấy hên. Được chụp hình bên mấy chậu hoa xuân tươi roi rói trong khu công viên văn hóa, bẽn lẽn nắm chặt tay ba mẹ, cười chúm chím trông hết sức ngây ngô. Cứ ăn cứ chơi, đến tận mồng bốn mồng năm vẫn còn thấy Tết.
Tết năm nào cũng thế, dài suốt tuổi thơ. Ấy vậy mà cứ cuối năm lại nôn nao, lại không ngừng ước ao thời gian chạy thiệt nhanh để mau được chơi Tết. Trong mấy ngày Tết thì lại mong mọi thứ chậm lại, thật chậm, để mãi không hết mấy ngày sung sướng này.
Rồi thì năm này sang năm khác, lũ trẻ chúng tôi lớn lên, Tết vẫn về, nhưng dường như những không gian ngày xưa đó đã không còn tìm thấy nữa. Chúng đã lùi lại sau lưng, trốn đi xa thật xa vào quá khứ.
Tết bây giờ, cũng là những mốc thời gian như thế, cũng nồi thịt kho hột vịt, mấy đòn bánh tét, mâm cơm ba mươi, bánh mứt đầu xuân, lũ trẻ lung linh áo mới xòe tay nhận lì xì, cũng đường phố ngập sắc cờ hoa, cũng người người đưa nhau đi đây đó vui hội mùa xuân... nhưng thấy sao mà nhạt lạ nhạt lùng. Cảm tưởng như giờ đây, Tết chỉ còn là một ông già giữ cổng năm mới, đến hẹn lại gióng lên hồi chuông báo nhân gian hay tin là một năm nữa đã về, rồi mở cổng, để mọi người lũ lượt đi qua, bước vào tân niên. Số ít người đứng lại ngơi nghỉ, chơi cùng ông-Tết được một hai ngày, còn vô số người khác thì lướt vội, chả thèm ngó ngàng ông-Tết năm này có khác gì ông-Tết năm qua...
Thì cuộc mưu sinh vất vả, Tết cũng chỉ là những ngày trong năm.
Chợt chạnh lòng, dành bao nhiêu tiền để sắm sửa cho năm mới thì cũng vậy thôi, có tìm mua lại được những mùa Tết cũ bao giờ...?!
...
* Bài viết cho CNMS Tân xuân 2011.