Con chim ấy lại bay về đậu trước thềm, thơ thẩn nhặt những hạt nắng sót rơi, rồi run rẩy cất tiếng ca ngày cũ. Đầu ngõ, có chiếc lá phai màu thả nghiêng theo cơn gió, trút hơi thở biệt ly. Chiều đổ bóng hắt chéo ly trà đẫm vàng buồn, tạo thành vệt loang trên nền sân xám. Cậu nâng tay, nhấp một cái và để mặc ngụm chát đắng khẽ lách vào miệng, xuống cổ, rồi sâu vào lòng. Một chút tối bắt đầu nhảy múa. Nhanh thôi, sẽ lại là đêm.
Giữa khoảng giao mà phải tinh tế lắm mới đếm đong được đó, cậu ngồi bất động một cách tĩnh tại tựa hồ như đang làm mẫu cho bức tranh chân dung chỉn chu, đang được phác những nét chì thuần thục dưới tay một họa sỹ tài hoa nào đó. Nét mặt cậu phảng phất những u sầu não nuột. Không quá cay nghiệt, nhưng cũng vừa đủ để mấy nét thanh xuân có vẻ phai nhạt; nhường chỗ cho ánh mắt dìm sâu bao suy tư, cái khóe môi khép chặt như vết gạch nối bất di bất dịch - nối cậu với sự im lặng tuyệt đối, mấy vạt tóc lòa xòa trước trán cố che giấu đi đôi vết nhăn vượt ngoài tuổi tác thật... tất cả hài hòa với nhau để tạo nên bức tranh hoàn mỹ của một linh hồn đã tách rời, một cái vỏ con người bị vứt lại chỏng chơ trên cõi tạm đang nhuốm dần màu đêm này. Dù cậu không già.
Ai đó đã nói rằng, như những con ve sầu lột xác, đến một thời điểm nhất định, khi người ta đã đủ già để ra đi, đủ sống lâu để không còn vướng bận, thì con người sẽ trút bỏ lớp vỏ người vốn hằn biết bao những vết dấu đắng cay - phiền não, để tách linh hồn mình ra mà theo gió về cõi mới. Tái sinh những mất mát, tiếp tục một cuộc đời với linh hồn gần như nguyên khôi. Nhưng cậu còn trẻ lắm, thế mà đã có cái vẻ ngoài của những linh hồn đang từ tạ lớp bọc chở che bấy năm tháng, chuẩn bị mất hút vào ngoài kia thênh thênh và về đâu đó nơi những người ở lại không hề biết tới. Cái vẻ ngoài mà không một người trang lứa nào mong sở hữu. Mà buồn thay là cậu lại có từ rất sớm.
Cũng không còn nhớ chính xác là tự khi nào.
...
Có thể là từ năm chín tuổi. Khi cậu bị bỏ rơi lần thứ mấy không nhớ và phải lủi thủi đi bộ về nhà, để rồi thấy ở đó trên chiếc giường của bố với mẹ là mẹ và một người đàn ông xa lạ - mà bây giờ cho dù cố nhớ lại cậu cũng không tài nào gợn lên được bất cứ đường nét nào của khuôn mặt cậu đã từng nghĩ là không thể quên đó. Cái tát điếng người của mẹ, tiếng càu nhàu những ngôn từ thậm tệ mà tuổi đó cậu không sao hiểu hết, rồi sau đó là tiếng la hét của bố - với con dao thường hay gọt mía cho cậu - xăm xăm chém thẳng vào "người lạ", rồi máu, rồi tiếng mẹ khóc ầm ĩ như con lợn nhà bà Tư hàng xóm tru tréo hôm bị mổ thịt, rồi tiếng lao xao của cả chục người vây lấy trước hiên nhà, rồi tiếng còi xe công an inh ỏi... một chuỗi liên tiếp những hình - tiếng đã ghi sâu vào trí nhớ non nớt của cậu một đoạn phim nhàu nhĩ, bạo tàn, và ám ảnh. Cậu đã khóc đến độ không còn khóc được suốt vài năm về sau.
Có thể là năm mười một tuổi. Mẹ công khai phun toẹt vào mặt cậu mỗi khi có thể rằng là mẹ ghét cậu - cái giống kế thừa hết thảy thói hư tật xấu của bố, kẻ đã kễt liễu nguồn cơn hạnh phúc của mẹ, và kết liễu luôn cả cuộc đời mình trong tù ngục; rằng cậu đừng mảy may trông đợi bà có thể bỏ qua mọi thứ mà chăm lo cho cậu đường hoàng - dù suốt cả chục năm ít nhiều hiểu được đôi thứ của cuộc đời ngắn ngủi mình, cậu chưa bao giờ thấy được điều đó từ bà. Và cũng dễ hiểu khi bà mạnh tay vứt cậu - thứ của nợ của bà - lại nhà cô dượng, nơi mà cậu lại trở thành một thứ của nợ mới. Nhìn gương mặt đầy vẻ vui tươi khi mẹ cậu quay gót, để mặc cậu trong bàn tay lạnh lẽo siết chặt của dượng, lúc bấy giờ cậu đã nghĩ mình hiểu được một ý nghĩa hết sức sâu xa của người lớn: Rằng, vứt bỏ con cái có thể mang lại khoái cảm nhiều hơn cả khi hành hạ nó mỗi ngày. Cái sự hiểu đó làm cậu không bao giờ muốn mình lớn.
Có thể là năm mười ba tuổi. Từ cái buổi trưa có tiếng gà gáy vẳng nghe não nùng, mấy nhánh lài đột ngột sực nức mùi như ly trà của ông Bảy cuối xóm, thân thể vốn gầy gò của cậu mềm oặt trong sự dày vò của gã dượng dơ bẩn với không mảy may một tiếng la khóc, chỉ là cơn buồn nôn trào ngập nơi cửa miệng làm cậu ngất lịm. Chỉ đến khi tiếng rên xiết xen lẫn mạt sát bằng những lời dơ bẩn không kém con người gã dượng từ miệng cô cậu trút ầm ầm vào tai cậu, đến khi cậu ngã nhoài ra sân trước với mớ quần áo cũ vất vưởng quanh mình, đến khi ông Bảy già nua trân mình cố lôi cậu đi, hút xa cái ngôi nhà mà suốt hai năm qua cậu không hé lấy một lời khi ở đó, thì cậu mới thấy mình tỉnh lại. Như sau một giấc ngủ dài, cơn buồn nôn cũng tuột đâu mất. Và đó cũng là lần đầu tiên cậu khóc trở lại từ năm lên chín.
Có thể là năm cậu mười sáu. Khi cậu nhìn lần cuối ông Bảy kính mến giờ chỉ là cái vỏ già nua, khô quắt giữa mấy lớp vải tẩn liệm bắt đầu bọc kín. Khi cậu ngồi im lặng cũng như bây giờ trên chiếc bàn gỗ lỏng chân, tự tay pha lấy một ấm trà vàng đục sực mùi lài vừa hái, nhấm nháp từng ngụm một, vừa tưởng tưởng ra nụ cười móm mém, ánh nhìn bao dung và cái vung tay gọn gẽ như trai trẻ khi kể vang những câu chuyện thời mở đất, thời chiến tranh, những câu chuyện từ mấy cuốn sách cũ sờn mềm bủng mà ông hay kể mỗi chiều tàn, vừa để mặc nước mắt chảy xuôi. Và đau đớn biết là từ giờ phút đó, số người yêu thương cậu vốn dĩ chỉ có một thì nay đã là số không tròn trĩnh.
...
Đêm xuống nhanh như một cái phẩy tay. Giờ quanh cậu đã là thứ bóng tối nhờ nhờ, sắp sửa đặc quánh lại. Con chim ấy đã bay mất tự khi nào. Ly trà cũng cạn sạch. Cậu đứng lên và bước vào trong nhà.Thắp lên ánh đèn tù mù vàng võ, cậu đến đốt một nén nhang cắm lên bàn thờ ông Bảy. Mùi nhang bắt đầu lan ra trong ngôi nhà ọp ẹp.
Cậu đến bên chiếc đi văng bóng màu già cỗi đang lấp loáng trong ánh đèn héo hắt, trên đó đã để sẵn một con dao - loại mà ông Bảy thường dùng để cắt mấy múi cau chà răng cho đỡ ố khi sinh thời - đã được cậu mài bén ngót. Cậu ngồi xuống đi văng, rảo mắt nhìn khắp lượt quanh nhà - nơi cậu đã sống lại, dài thêm một chút quãng đời mình. Cầm dao bằng tay trái - cậu cũng thuận tay trái như mẹ, nếu cậu nhớ không lầm - cậu chạm khẽ cạnh sắc nhọn sáng choang của nó lên cổ tay phải, một cơn gió lạnh thốc đột ngột phía sau, chạy dài theo sống lưng. Mùi nhang thơm lừng nơi khóe mũi, vị trà chiều cậu vẫn còn như cảm thấy nơi cổ họng, cậu nhấn tay thật mạnh, và gọn. Rồi cậu nằm xuống, nghiêng người một bên để cánh tay phải buông thõng. Máu bắt đầu nhảy múa.
Khi ấy thì cậu bắt đầu thấy được cái vỏ của mình. Đang từ từ nứt vỡ, rồi tách ra theo từng mảng một. Linh hồn cậu có màu vàng sẫm đùng đục như ly trà hay uống, đang len ra, lửng lờ như những tia khói mỏng mảnh. Bỏ lại hết ngôi nhà ọp ẹp, ngọn đèn dầu lắt lay trên chiếc bàn gỗ lỏng lẻo, mùi nhang nồng nặc, cái vỏ đang rỉ nốt những sợi máu cuối cùng, cậu bay lên.
Con chim ấy đột nhiên bay cùng, nó biết nói: "Ông Bảy đang đợi cậu pha ấm trà chiều!".