Friday, April 1, 2016

Có mất mát nào lại không não nề?


1. Hôm nay, ngày cuối quán Kim mở cửa. Quán Kim, là quán café nhỏ, bình thường, trong hẻm đối diện công ty, nơi mà 99% các buổi trưa trong tuần tôi cùng đồng nghiệp ghé sang dùng bữa. Suất cơm văn phòng ba mươi lăm nghìn đồng, với canh, trà đá và tráng miệng miễn phí. Thức ăn không quá đặc sắc, nhưng dễ chịu, khẩu vị có hơi hướm miền Tây. Canh thường bị mặn, tráng miệng nghèo nàn vài loại luân phiên. 

Nhưng, lạ lùng thay, chúng tôi lại chọn nơi này làm chốn quen mỗi trưa. Có lẽ, một phần ngại đi xa giữa trời nắng nóng, một phần thói quen làm nên sự dễ dãi, ừ thì đỡ nhọc công suy nghĩ “Trưa nay ăn gì?”. Nhưng, chắc một phần khác, cũng quan trọng không kém, là cách phục vụ thoải mái của anh Cường, chị Đẹp… tạo ra không gian thân thuộc, bụng dạ ai cũng hài lòng. 

Chính thế, nên khi hay tin, rằng từ này sẽ không còn nữa những bữa cơm trưa í ới nhau qua sms hay facebook messenger “Kim nha!”, không ít người trong chúng tôi, chợt buồn. Thiếu một chỗ ăn, xét cho cùng, chẳng qua là chuyện nhỏ; nhưng, nếu xét kỹ hơn, vẫn là một mất mát.

Mà, có mất mát nào lại không não nề?

2. Mấy hôm trước, đọc được tin chú mèo đáng yêu Fukumaru - từng nổi tiếng khắp thế giới qua bộ ảnh chụp cùng người bạn đồng hành đặc biệt, bà cụ Misao - qua đời. Đâu đó dưới những dòng comment, tôi bắt gặp không ít những bình luận mang-đậm-lý-tính, kiểu như: “Dù sao, nó cũng chỉ là một con mèo!”, nhằm phản đối sự ủy mị, xúc cảm thái quá “chỉ vì một con mèo!” của đa số cộng đồng mạng.

Họ, không sai. Nhưng, có lẽ, góc nhìn của họ chỉ hướng vào bề mặt sự thật - một con mèo tận xứ Nhật Bản xa xôi đã chết - mà không hiểu được cái chết của Fukumaru là một sự mất mát đủ sức tác động đối với nhiều người. Đặc biệt, là những ai từng xem bộ ảnh, từng chọn tin vào sự hòa hợp bản năng giữa con người và động vật nói chung thú cưng nói riêng, từng nuôi hy vọng vào sự đẹp đẽ hiện hữu mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống đầy rẫy bất trắc của thời đại bây giờ. Mất mát một inspiration để người ta can đảm sống thiện lương và hồn hậu.

Mất mát ấy, lẽ nào không đáng để buồn thương?

3. Một tháng Tư, ngày mất của Trịnh, và Leslie.

Mỗi năm, dù bận rộn đến mức lãng quên, cuối ngày tôi vẫn dành riêng một đoạn ngắn tưởng niệm. Đoạn tưởng niệm ấy, luôn khiến tôi sầu muộn.

So sánh khập khiễng, nhưng có lẽ cũng tương tự trong câu chuyện về Fukumaru trên kia, sẽ có không ít người cho là tôi rỗi hơi, nặng lòng mấy chuyện vớ vẩn. Dẫu vậy, sự tiếc nuối với những tài hoa bạc mệnh, thiết nghĩ, chắc không phải mỗi riêng tôi. Trịnh, hay Leslie, cũng chỉ là cái tên, biểu trưng cho hằng hà sa số những cái tên khác, những khuôn mặt, những vóc hình… nổi tiếng hay tầm thường, một đời phù hoa hay lặng thầm tủi cực, sau hết, sẽ hóa thành tro bụi, đọng lại vết nhớ trong tâm người ở lại.

Chưa kể, tôi nhớ về Trịnh, về Leslie, nhưng cũng là mượn cớ soi vào đấy, nhìn lại chính mình. Nhìn lại những mất mát tự thân, hoặc đã từng nếm trải. Để rồi nghĩ về hiện tại, và dự cảm về những mất mát tiếp nối ở tương lai.

Thì, đời vốn là chuỗi mất mát không ngừng.

4. Giữa những mất mát đó, đôi khi tôi thực sự nghĩ, rõ ràng thứ kỳ diệu nhất chính là trái tim con người. Có thể chịu đựng giày vò, bội phản, đớn đau, thương tổn, và vô vàn bi ai sinh ra từ cuộc sống điên rồ, nhưng rồi, không những không vụn vỡ, mà càng chai sạn hơn, dày thêm bản lĩnh từ chính trong những đoạn trường. Con người theo đó mà trưởng thành. Phải vậy không?

...


* hình: Leslie trong 春光乍泄 | Happy together (1997).


No comments:

Post a Comment