“Khi ta biết cái chết là một sân ga nhất định sẽ đến, trong quá trình đi về phía sân ga này ta sẽ trân trọng. Ta sẽ không còn giống như trước đây, vì thất tình hay bị sỉ nhục liền đòi sống đòi chết. Ta sẽ trân trọng mỗi một giây phút của hiện tại, bởi mỗi một giây phút đều hoàn toàn không thể nào lặp lại. (...)
Vì thế, khi tôi hiểu rõ cái chết, tôi càng trân trọng sự sống. Thế là tôi không trốn tránh nữa, thản nhiên đi về phía trước.
Từng có người hỏi tôi, ngay cả cái chết anh cũng không e sợ, vậy thì anh còn e sợ điều gì? Tôi đáp, không không không, tôi không phải không e sợ, tôi tiếp nhận sự thực này.
Mãi đến khi viết cuốn sách này, tôi vẫn sợ hãi rất nhiều thứ. Vẫn sợ khoảnh khắc đối mặt với cái chết; vẫn sợ một ngày kia mọi người không cho tôi cơ hội nữa, tôi nên đối mặt ra sao; vẫn sợ trở về thời nghèo túng nhất; vẫn sợ dáng vẻ khi tôi già yếu; vẫn sợ mắc bệnh nặng; vẫn sợ người thân yêu nhất của tôi rời đi.
Nhưng tôi không cảm thấy đây là một dạng mềm yếu. Tôi cho rằng, đó là lòng kính trọng với sinh mệnh.
(...)
Năm kia, bà ngoại tôi qua đời. Tôi đối mặt bằng tâm thái bình tĩnh nhất. Tôi đề nghị người trong gia đình đừng khóc lóc, bởi vì khóc lóc không thể bày tỏ tình thương yêu của ta đối với bà ngoại. Ta giữ tiếng lòng trong thâm tâm, sống tốt hơn, mới là phương thức tốt nhất để bày tỏ rằng chúng ta yêu bà ngoại. Hôm ấy, sáng sớm tôi gấp gáp về Trùng Khánh, ở bên linh cữu của bà ngoại, tụng kinh cho bà. Tôi nói với bà ngoại, cháu cảm thấy bà chưa chết, bà luôn sống mãi trong lòng cháu.
Tôi thường nói một câu, chỉ cần ghi nhớ một người thì người đó sẽ không chết. Nếu một người khác ghi nhớ tôi, cũng chính là ghi nhớ tất cả những người mà tôi ghi nhớ. Cho nên, linh hồn bất diệt.
Khoảnh khắc đó, tôi lại ngộ ra một tầng triết lý khác của sinh mệnh: Thiện niệm có thể vượt qua cái chết.
Lòng tốt, lòng yêu thương, lòng quan tâm.
Khi ta có một trái tim tích cực, truyền năng lượng tích cực cho người khác, ta sẽ không “chết”. Bởi vì tình yêu thương sinh sôi không ngừng…”
[Đột nhiên đến Tây Tạng - Trần Khôn]