Không chỉ tôi, mà tin rằng rất nhiều người, không ít lần ước ao rằng: Giá như mình được thay đổi mọi thứ của hiện tại - của cuộc đời này, để bắt đầu lại với đúng những gì bản thân khao khát - ở một cuộc đời khác. Nhất là với những ai, từng ngày tháng vẫn trôi trong nỗi phiền muộn, chán chường. Nhất là với những ai, sống chỉ đơn thuần là gắng gượng chấp nhận. Nhất là với những ai, nhìn quanh và nhận ra mình chỉ là phận rẻ rúng, nằm bên lề yêu thương. Nhất là với những ai, mặc cảm và tự ti luôn là "thức ăn" chính nuôi sống tâm hồn. Thì, ước ao đó, nỗi hoài mơ một cuộc đời khác, càng mãnh liệt vô cùng.
Dĩ nhiên khi bạn đang ở trong cuộc đời này, với vô số những u ám và hoài nghi, đớn đau và thất vọng, mất mát và tổn thương, cuộc-đời-trong-mơ kia sẽ tuyệt vời hơn gấp nhiều nhiều lần. Nhưng liệu rằng, giả như bạn có thể chọn cho mình một lần được sống-lại, hoàn toàn khác với bây giờ, thì cuộc đời mới đó có thực sự hoàn hảo như những gì bạn từng mong, mơ? Liệu con-người-khác bạn luôn muốn được trở thành đó có đủ mang đến hạnh phúc xứng với những gì đã đánh đổi? Không ai có thể trả lời. Bởi, cuộc sống vốn khó lường. Và, không có gì là tuyệt đối. Nên, không ai, không một ai, có thể dám chắc rằng sẽ có những gì đang đón đợi nơi cuộc-đời-khác với một con-người-khác - dù mình vẫn luôn nghĩ về từng phút từng giây giữa những tháng ngày tuyệt vọng. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục mơ, hoặc can đảm đổi thay - nhưng với tâm thế sẵn sàng cho mọi điều không đoán được ở phía trước?
Tôi sẽ còn mãi hoang mang trong những điều mơ hồ như thế, cho đến khi tôi gặp Charlie Gordon (trong "Hoa trên mộ Algernon" của Daniel Keyes). Một người may mắn đã được trao cho cơ hội hơn-cả-quý-giá để được trở thành con người mới, sống một cuộc đời mới: Chương trình thí nghiệm nhằm cải tạo trí não con người - đã được thí nghiệm thành công trên chú chuột Algernon. Những gì anh đã trải qua, lạ lùng thay, không nhóm thêm lửa cho khát vọng thay đổi số phận lòng tôi, mà ngược lại giúp tôi - dù hơi trễ tràng - nhận ra rằng: Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết chấp nhận - chính con người hiện tại, chính cuộc đời hiện tại của mình.
Vì sao lại thế? - Những trang nhật ký của Charlie chính là câu trả lời.
Từ một con người được sinh ra với chỉ số IQ thấp bất thường - là nỗi nhục nhã của gia đình, là thú tiêu khiển của chúng bạn ác mồm, là thiểu năng đáng bị ghẻ lạnh trong mắt cộng đồng; lớn dần lên với sự phát triển thể xác, nhưng tâm trí thì mãi ngây ngô, những nghĩ suy đơn thuần, những xúc cảm yêu - ghét - buồn - giận mà chính bản thân không thể cảm nhận rõ ràng; không thể diễn đạt một câu trọn vẹn bằng câu chữ, chỉ hiểu được những chuyện đơn giản nhất, chơi trò trí tuệ thua cả một con chuột lang - đã biến đổi thành "một miếng bọt biển hút kiến thức", IQ ngang mức thiên tài, làu thông ngoại ngữ, có thể thoải mái đổi trao cùng từ sinh viên đại học đến các giáo sư, tiến sĩ trong mọi lĩnh vực; và hơn hết, biết nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt tinh tường, biết lý giải cho những cảm giác bên trong mình, biết đối mặt với quá khứ để tìm lại bản ngã, và biết yêu thương. Bạn nghĩ, chắc hẳn Charlie-mới phải hạnh phúc vô cùng? Cuộc đời mới của anh là tuyệt vời không gì sánh bằng? Nhưng thực tế, đó chỉ là những nhận thức ban đầu khi anh thỏa mãn cùng con-người-mới của chính mình. Còn sau đó, chỉ là một nỗi chán chường, cứ dài ra mãi. Bởi, thông minh hơn, nghĩa là sẽ nhìn thấy được nhiều mặt cuộc sống hơn, nhìn sâu vào mọi ngóc ngách sự việc hơn. Cũng có nghĩa là, những yêu thương hồn nhiên sẽ không còn. Nghĩa là, sẽ không có gì còn đủ sức làm bạn tin tưởng, khiến bạn không hoài nghi. Và đau đớn hơn, là khi bạn phát hiện ra con-người-mới của mình đã không còn thuộc về những không gian ấm áp mà bản thân đã từng, đã không còn được chấp nhận bởi những con người luôn cạnh bên - dù hẳn nhiên có đủ đầy kẻ tốt, xấu; nhưng ít ra còn thừa nhận bạn như với con-người-cũ.
Vào đúng lúc Charlie-thiên-tài nhận ra những bi kịch của cuộc-đời-mới, cũng chính là thời điểm anh phải đối mặt với một sự thực kinh hoàng: “Lượng trí tuệ nhân tạo suy giảm theo thời gian tỷ lệ thuận với lượng tăng lên”. Đồng nghĩa, anh đang tiến dần về phía bắt đầu: Trở lại là Charlie-thiểu-năng. Cái chết của Algernon như một cú thúc mạnh vào ngực, làm anh đau đến cùng cực, nhưng cũng theo đó mà tỉnh ngộ. Và người đọc, như tôi, cũng tỉnh ngộ. Không phải bởi vì sự trả giá khắc nghiệt cho việc đổi thay số phận, đạt lấy cuộc đời khác, mà là sự vỡ lẽ: Cuộc đời nào cũng có những được - mất của nó, và đôi khi lại nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vậy thì, hà cớ gì phải đi tìm một vùng trời nào khác, phải biến đổi thành một con người nào khác, sống một cuộc đời nào khác, trong khi ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc và an nhiên ngay chính trong hiện tại giây phút này?
Những dòng nhật ký cuối cùng khi Charlie đã bắt đầu suy giảm trí tuệ, chấp nhận đi vào viện dành cho những người thiểu năng, và lời nhắn gửi nhờ đặt hoa lên mộ Algernon, đã làm cho tôi run người. Và nước mắt tự nhiên chảy xuôi. Vì thêm một thông điệp sâu sắc được Daniel Keyes gửi gắm mà sau hết tôi đã nhận ra: Tình yêu thương là thứ quý giá nhất, mà dù bạn có là ai, sống cuộc đời nào cũng đừng nên đánh mất.
[SG, 12/09/12]
---
* Bài dự thi Cảm nhận sách hay Nhã Nam, viết cho tác phẩm "Hoa trên mộ Algernon" của Daniel Keyes.
Hay để chị viết về bộ Tobie Lolness nhỉ? ^^
ReplyDeleteđược đó ciu, hứng thú thì viết chơi cho vui ^^
Delete