Chiều xám lạnh, mưa như buông tơ ngoài khung kính, Sài Gòn trở nên dịu dàng hơn bao giờ hết. Tôi ngồi đây, giữa không gian văn phòng bề bộn với tiếng Norah Jones dìu dặt từ tai nghe, và không thể ngăn nỗi ao ước giản đơn: Được một mình ở góc quán quen, nhấm nháp ly ca cao sữa nóng, và ngắm mưa. Và, nâng niu lần giở từng trang sách mình yêu. Đọc sách, với tôi, không chỉ như một thói quen, mà còn là cứu cánh. Là liều thuốc xoa dịu tâm hồn khi cuộc sống ngoài kia vì mưu sinh mà đôi khi trở nên quá khắc nghiệt và điên rồ. Nên, đừng hỏi vì sao, những lúc mỏi mệt, muộn phiền giăng mắc, tôi lại muốn được bước vào trang sách. Được thôi là mình, được đắm chìm trong thế giới vừa gần gũi mà cũng đầy lạ lùng phía sau câu chữ. Như lúc này.
Tôi không biết tình yêu sách của mình bắt đầu từ khi nào. Nhưng, như yêu thương một ai đó, điểm khởi nguồn không hẳn là quan trọng nhất, đáng ghi khắc chính là những gì nếm trải cùng nhau. Sách đã bên tôi qua dài năm dài tháng, hiện diện trong từng quãng đời có vui có buồn có nhớ có quên. Là chỗ dựa cho nỗi cô đơn, bạn sẻ chia cho những giấc mơ muộn màng. Với sách, tôi tìm thấy tất cả những gì mà ngay trong cuộc đời này còn dang dở. Và cứ thế mà tình yêu tôi dành cho sách lặng lẽ dày thêm.
Ai đó đã từng nói: Một quyển sách hay đến đúng lúc có thể thay đổi cả một con người. Tôi tin, thực lòng. Bởi chính tôi, đã từng may mắn được nhiều quyển sách hay - như những thiên thần hộ mệnh - đến đúng thời điểm cần thiết và nâng tôi dậy, tái sinh những ước vọng, xóa tan những ý nghĩ sai lầm.
Như tôi của năm mười tám tuổi, trượt Đại học và vỡ vụn niềm tin, hoài bão tuổi trẻ lịm tắt, ngỡ như tương lai đã kết thúc ngay từ chưa bắt đầu. Tôi giận mình thất bại, tôi bi kịch hóa mọi thứ và không dám cho bản thân cơ hội tiếp tục theo đuổi ước mơ. Cha mẹ khuyên can hết lời, nhưng tôi chỉ giam mình trong phòng, làm bạn với sách và gặm nhấm sự ê chề. Tôi đọc ngấu nghiến, hết quyển này đến quyển khác, lòng nặng trĩu phiền muộn và cơn tự ngược cũng dần nguôi ngoai. Nhưng, thực sự bản thân được vực dậy, tim lại thắp lửa, chính nhờ vào cuốn Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – mà tôi đã từng bỏ hẳn qua một bên khi thấy tựa đề. Tôi sợ những tác phẩm giáo điều, rao giảng những thứ phi thực tế. Thế nhưng, tôi đã thực sự thay đổi sau khi đọc cuốn sách này. Nó đưa ra những hướng dẫn hết sức cụ thể và hữu ích, mà áp dụng theo đó, tôi thực sự thấy mình được hồi sinh năng lượng sống, lòng yêu đời và niềm tin vào bản thân. Tôi nhận ra, thay đổi không bao giờ là quá muộn, và bất kỳ ai cũng có thể chạm tay đến thành công nếu sau những thất bại dám can đảm một lần nữa bắt đầu.
Như tôi-hai-mươi-ba nôn nóng khẳng định mình đã thực sự trưởng thành, với sự nổi loạn như con sóng ngầm kéo mình ngày một xa vòng tay yêu thương gia đình. Thêm vào khoảng cách thế hệ càng dấy lên những mâu thuẫn mà tôi-khi-đó chỉ biết đổ hết cho Mẹ - người suốt ngày nhắc nhở và yêu cầu phải thế này không được thế kia, dù mình đã ra trường và chuẩn bị đi làm. Ở xa, lười về thăm nhà, mải miết cùng công việc mới và những cuộc vui bè bạn, tôi không màng đến những nỗi lo của Mẹ. Không nghĩ là mình sai, chỉ đơn thuần thấy bản thân đã đủ lớn, và cần được tự do. Rồi một ngày kia, sau trận cãi vã qua điện thoại với tôi, mẹ bị ngất và từ đó phát hiện mắc chứng hở van tim - không thể chịu đựng những xúc động hay căng thẳng quá lớn, tôi cảm giác như muốn tự đấm vào ngực mình một cú thật mạnh. Tôi vội vã về nhà, hối hận và chờ đợi sự tha thứ. Cũng từ đó, bất kỳ khi nào có đủ thời gian, tôi cũng đều về với gia đình, với Mẹ. Và trên những chuyến xe, tôi bắt đầu đọc thử cuốn Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung Sook) - mua từ khá lâu, nhưng lại không hiểu sao chưa lần nào muốn mở sách. Truyện giản dị mà đầy xúc động đã bóp nghẹn trái tim tôi. Lần đầu tiên, tôi nghĩ đến Mẹ, tuổi già và nỗi sợ hãi không biết một lúc nào đó mình có để lạc Mẹ như các nhân vật trong câu chuyện. Thậm chí là lạc mất Mẹ mãi mãi. Tôi ứa nước mắt với ý nghĩ đó, dù biết, hơn hai mươi tuổi đầu mà rơi lệ thì thật buồn cười, và ủy mị. Nhưng có hề gì, sự ủy mị của tôi là dành cho Mẹ, để biết yêu thương Mẹ nhiều hơn.
Như tôi của chỉ mới năm ngoái đây thôi, chia tay tình yêu đã gắn bó hơn ba năm, và buông tay để mặc anh đi về phía người khác. Ngỡ là mình sẽ bị nỗi đau đánh gục, ngỡ là vết thương sâu lòng sẽ khó liền da. Trong những tháng ngày cô đơn đến cùng cực đó, tôi buộc mình phải can đảm đứng dậy. Tôi học lại cách yêu thương bản thân, tìm lấy niềm vui từ vô vàn những điều vẫn còn rất đẹp ngoài kia cuộc đời. Và dĩ nhiên, an ủi tâm tư mình bằng Sách. Tôi đã đọc Di sản của mất mát (Kiran Desai) vào thời gian này. Bỏ qua bối cảnh câu chuyện vùng Kalimpong dưới chân núi Himalaya cùng vô số những đan cài, lồng ghép khéo léo về cách mạng văn hóa, biến động chính trị, và những hệ lụy từ toàn cầu hóa, thông điệp sâu sắc nhất của câu chuyện này, với cá nhân tôi, chính là tâm thế của con người khi đối diện với tổn thương và mất mát. Không phải tìm cách chối bỏ, hay trốn tránh, mà là can đảm đi xuyên qua đớn đau, chấp nhận rằng mất mát cũng là một điều Được của cuộc đời. Được trải nghiệm, được lớn khôn. Di sản của mất mát là Niềm tin, chứ không phải là Tuyệt vọng. Tôi đã học được điều đó, và tự mình đi qua.
Phùng Quán từng viết: "Có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!", nhưng với tôi, điểm tựa đó là Sách. Đến tận bây giờ, sách vẫn cứ thế, ở bên tôi và cùng sẻ chia cuộc sống. Mang cho tôi thêm nhiều trải nghiệm đôi khi bị thực tế giới hạn; nuôi dưỡng những giấc mơ để an ổn đời sống tinh thần; làm giàu cảm xúc và những suy ngẫm trong tôi về cuộc đời, về con người; mở ra biết bao điều lạ lùng và lý thú mà nhịp sống chật hẹp mỗi ngày không thể nào nói được hết. Sách, là nơi chốn luôn có chỗ cho tất cả mọi người, tìm đến và ngơi nghỉ, cảm nhận và đổi thay. Bởi vì sách là thế giới (*).
Vậy nên, làm sao tôi có thể sống mà thiếu "thế giới" của mình?
...
(*) Đây là câu khẩu hiệu (slogan) tôi vốn rất tâm đắc của công ty phát hành sách Nhã Nam - một thương hiệu được khá nhiều người yêu sách hâm mộ vì những đầu sách chất lượng.
Bài viết cho Lazada's blog, hưởng ứng tháng sách Nhã Nam.